Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trên địa bàn, đặc biệt là các xã biên giới, ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh nhằm có kế hoạch chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thực hiện cam kết kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo quy định; phân công trưởng ấp, khu phố phối hợp với Trưởng Ban Thú y các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện điều tra thống kê tổng đàn chó, mèo và danh sách theo dõi tiêm phòng bệnh Dại đúng định kỳ; khuyến khích lập sổ quản lý đàn chó, mèo với số hộ nuôi. Đưa công tác quản lý chó, mèo; phòng, chống bệnh Dại vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng hằng năm của UBND cấp xã và các phòng, ban có liên quan theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, tổng hợp các báo cáo định kỳ về điều tra, thống kê tổng đàn vật nuôi hằng năm từ các đơn vị có liên quan theo đúng quy định của pháp luật từ đó làm cơ sở tính mật độ chăn nuôi nhằm phục vụ công tác tham mưu báo cáo UBND tỉnh; rà soát, cập nhật tổng đàn vật nuôi chính xác từ các báo cáo của UBND cấp huyện; xác định được số lượng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi, số lượng trang trại nhằm phục vụ công tác tham mưu báo cáo UBND tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 345/QĐ-UBND; Chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả phòng bệnh trên động vật; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng. Bố trí kinh phí đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gồm hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm buộc tiêu hủy do dịch bệnh, khôi phục sản xuất chăn nuôi và hỗ trợ các lực lượng tham gia chống dịch. Khi thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi có động vật buộc tiêu hủy do dịch bệnh, phải đáp ứng đúng điều kiện hỗ trợ được quy định tại Điều 4 của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Xử lý theo thẩm quyền các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thuốc thú y theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo các phòng, UBND cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể, trường học trực thuộc phối hợp với cơ quan chuyên môn liên quan triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trường học… về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại kinh tế của dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dại, Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục,… và biện pháp phòng chống; Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu các đơn vị còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh động vật, để xảy ra dịch bệnh, lây lan gây hậu quả nghiêm trọng; nhất là những địa phương đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Địa phương nào chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; để dịch bệnh động vật xảy ra, lây lan nhất là trong vùng được công nhận an toàn dịch bệnh động vật; có người tử vong do chó, mèo mắc bệnh Dại cắn hoặc người chết do nhiễm vi rút Cúm gia cầm xuất phát từ nguyên nhân chó, mèo, gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin thì người đứng đầu các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đạt trên 80% tổng đàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật và trường hợp không chấp hành việc kê khai hoạt động chăn nuôi; không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc sát trùng; nuôi chó thả rông; không đeo rọ mõm cho chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật
Tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm theo quy định.
Chủ động giám sát tình hình đàn vật nuôi, nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh, tổ chức điều tra dịch tễ, tiến hành lấy mẫu từ vật nuôi nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định bệnh, qua đó kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch bệnh hiệu quả, ngăn chặn lây lan, dập tắt khi đang còn ở diện hẹp.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh bệnh Dại, Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
- Phối hợp, chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các giải pháp phòng, chống các bệnh truyền lây giữa động vật và người.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thuốc thú y theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, Nghị định số 07/2022/NĐ-CP và vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các bệnh truyền nhiễm giữa người và động vật
Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan Y tế, Thú y, chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan, kịp thời trong việc giám sát, phát hiện các bệnh truyền nhiễm giữa người và động vật, đặc biệt là bệnh Dại, Cúm gia cầm trên đàn vật nuôi, trên người để kịp thời xử lý, ngăn chặn lây lan, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Sở Tài chính bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh và các Kế hoạch, Chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về công tác phòng, chống dịch bệnh
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng dịch bệnh động vật và các biện pháp phòng, chống; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến động vật và các sản phẩm động vật, không sử dụng động vật bệnh, chết không rõ nguyên nhân; nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; đồng thời, thực hiện thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở và các nền tảng do Sở quản lý.
Cục Quản lý Thị trường xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới
Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
Phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm, tác hại khi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh tăng cường kiểm soát lưu thông, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép
Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức Chính trị - Xã hội tỉnh (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) tăng cường phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ thị và phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT để phổ biến đến người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
TT