Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Thứ hai - 15/04/2024 11:16 1.279 0
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023, hiện nay thời tiết trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục nắng nóng gay gắt, số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh rất cao, hiện nay cấp cảnh báo cháy rừng đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Nhằm chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa thiệt hại; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các Ban quản lý rừng (đơn vị chủ rừng) tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 518/BNN-KL ngày 17/01/2024 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 Công văn số 732/UBND-KT ngày 13/3/2024 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2024.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương; chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã có rừng, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, đơn vị và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch PCCCR đảm bảo sát đúng thực tế, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm trực gác, chốt cửa rừng, tháp canh lửa và điểm trực camera giám sát để phát hiện sớm lửa rừng, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng; phát hiện sớm cháy rừng, huy động các lực lượng tham gia dập tắt kịp thời đám cháy, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCCR kịp thời, hiệu quả.

Có phương án và sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng xảy ra.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là những người sống bằng nghề rừng, lấy củi, bắt ong...; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng cấp IV, Cấp V).

Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng có liên quan) thực hiện tốt quy chế phối hợp lực lượng, phương tiện để bảo vệ rừng. Có phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng, cơ động ứng phó với các tình huống cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa các nguy cơ gây cháy rừng.

Khi có cháy rừng xảy ra khẩn trương phối hợp chữa cháy rừng, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Các Ban quản lý rừng (chủ rừng)

Tập trung mọi nguồn lực cho công tác PCCCR; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp PCCCR; kiểm soát chặt chẽ người và các phương tiện vào rừng; nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng luôn nêu cao tinh thần chủ động với phương châm “phòng cháy là chính”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCCR đến người dân, nhất là những người sống và canh tác nông nghiệp gần rừng, hay ra vào rừng, những người lấy củi, bắt ong.... Tuyên truyền bằng nhiều hình thức (phát loa, bảng biểu, tờ rơi,…), bên cạnh đó đề nghị rà soát, lắp đặt các loại bảng tuyên truyền trên địa bàn rừng quản lý.

Sắp xếp lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh; tăng cường kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng, rà soát bổ sung phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng theo quy định của pháp luật; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Trường hợp nếu cháy rừng vượt ngoài tầm kiểm soát của đơn vị, phải thông báo cho Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố và các xã có rừng để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng; trong trường hợp cần thiết thông tin về Ban Chỉ đạo tỉnh (thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo) để huy động các lực lượng của tỉnh phối hợp chữa cháy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương, chủ rừng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn về dự báo và thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày đến các địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cấp dự báo cháy rừng đến cấp IV và cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại các địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kịp thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ đạo các chủ rừng bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy; tổ chức trực canh gác phát hiện sớm lửa rừng và báo cháy đúng quy định.

Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Công an tỉnh

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chuẩn bị phương án lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra, thu thập chứng cứ, truy tìm thủ phạm gây ra vụ cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý đóng quân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp khi có cháy rừng xảy ra.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Tây ninh, Báo Tây Ninh, các cơ quan báo chí Trung ương (thường trú trên địa bàn tỉnh)

 Phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về phòng, chống cháy rừng, phổ biến các nội dung quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời nêu gương các điển hình trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm để cập nhật cấp dự báo, cảnh báo cháy rừng hàng ngày để tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cơ sở.

Sở Công Thương

Chỉ đạo ngành Điện lực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng có liên quan rà soát hành lang lưới điện quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng khi cháy rừng xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các đoàn viên, hội viên và Nhân dân để nâng cao trách nhiệm, sẵn sàng tham gia ứng phó chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh

Theo nhiệm vụ, quyền hạn chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2024.

Hà Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây