​ Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 11/01/2021 14:00 160 0
Năm 2020, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Bị can trong các vụ án xâm hại trẻ em đều là nam giới, tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 18 đến 30; có 04 vụ loạn luân, 03 vụ có nhiều bị can thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần đối với một bị hại trong thời gian dài, dẫn đến nạn nhân có thai gây bất bình, xã hội bức xúc và kịch liệt lên án.

toiphamxamhaitree.jpg

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, để kéo giảm tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian tới. Ngày 08/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 52/UBND-NC yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 715/KH-UBND ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em của Đoàn công tác của Quốc hội, Công văn số 2721 /UBND-VHXH ngày 09/12/2019 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Theo đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhất là pháp luật về hình sự, hôn nhân gia đình, về chăm sóc giáo dục, bảo vệ trẻ em và pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cho quần chúng nhân dân. Xác định việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như luật hình sự đến với mọi đối tượng trong xã hội là biện pháp quan trọng thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ quyền trẻ em là biện pháp chủ yếu trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Đồng thời, chăm lo sự phát triển toàn diện của trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, những kiến thức, hiểu biết cho trẻ em, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro, những yếu tố dễ tổn thương. Tăng cường kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ, ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực. Đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở bảo trợ xã hội,... xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người có hành vi bạo lực xâm hại trẻ em. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại hoặc bao che vụ việc xâm hại trẻ em. Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nhất là các cơ sở hoạt động dịch vụ nhạy cảm, các nhà hàng, quán karaoke, cơ sở kinh doanh massage... đặc biệt là các điểm truy cập internet để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm việc truy cập, chia sẻ, sử dụng những trang web xấu ... có nội dung khiêu dâm, kích dục, tuyên truyền lối sống phi đạo đức.

Thanh Thúy

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây