Ảnh minh họa
Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua là rất đáng kể, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người dân và ngân sách nhà nước. Ngoài các nguyên nhân khách quan do tác động bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 trên người,… còn có những nguyên nhân chủ quan sau đây: i) Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh (PCDB) theo quy định của Luật Thú y, các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là công tác giám sát chủ động, xét nghiệm mầm bệnh và báo cáo, thống kê dịch bệnh; ii) Hệ thống thú y nói chung, công tác quản lý về thú y thủy sản nói riêng trong thời gian gần đây bị thay đổi; iii) Công tác kiểm dịch, thanh tra, kiểm tra, điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch gặp rất nhiều khó khăn và không thể triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành (do chồng chéo chức năng nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp công tác của các đơn vị liên quan, thiếu nguồn nhân lực ở cấp huyện, xã, thiếu kinh phí,...); iv) Việc chia sẻ thông tin, tổng hợp báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời và đầy đủ, thiếu chính xác, không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; v) Nhiều địa phương chưa có Kế hoạch PCDB hoặc có Kế hoạch PCDB nhưng không bố trí kinh phí hoặc bố trí , không đủ kinh phí hoặc cấp kinh phí muộn nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả các biện pháp PCDB thủy sản. Theo thống kê, nguồn kinh phí chủ yếu được bố trí cho công tác giám sát bị động và xử lý ổ dịch; kinh phí cho lấy mẫu, giám sát chủ động không có hoặc có nhưng không đủ để thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm chủ động phát hiện sớm, ứng phó kịp thời và xử lý triệt để khi có nguy cơ dịch bệnh xảy ra; vi) Công tác thông tin, tuyên truyền về PCDB tại một số địa phương không được thực hiện thường xuyên, liên tục; nhiều người nuôi trồng thủy sản chưa biết hoặc có biết nhưng thực hiện chưa đúng theo các quy định, hướng dẫn về các biện pháp PCDB, không chủ động khai báo thông tin thủy sản bị thiệt hại, bị nhiễm bệnh. Số liệu thống kê về thiệt hại và dịch bệnh thường căn cứ vào ước lượng của người nuôi và không dựa trên kết quả xét nghiệm.
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, ngày 19/5/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 1033/UBND-KTTC yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch phòng chống dịch bệnh và các hoạt động giám sát chủ động, bị động dịch bệnh năm 2020 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 7362/BNN-TY ngày 03/10/2019 nhằm ổn định sản xuất, hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản và Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 17/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020.
Tiếp tục tập trung rà soát và triển khai "Kế hoạch quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020" theo Quyết định số 1038/QĐ-BNN-TY ngày 29/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ưu tiên các nguồn lực cho đối tượng nuôi chủ lực quốc gia và của địa phương.
Tăng cường tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường, lấy mẫu tại các nguồn cấp nước ở các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo, ứng phó trước biến đổi khí hậu bất thường, góp phần hạn chế thiệt hại gây ra đồng thời hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả của công tác PCDB tại địa phương.
Tổ chức thu mẫu giám sát định kỳ các tác nhân gây bệnh (chú trọng các bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn trong nuôi trồng thủy sản) tại các vùng nuôi trọng điểm; điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết nhiều, có dấu hiệu bất thường,.. để cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý kịp thời tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT; Rà soát, bổ sung nguồn hóa chất khử trùng dự phòng của địa phương để chủ động ứng phó sự cố do dịch bệnh hoặc do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra đối với nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo đúng lịch thời vụ và chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, xử lý ao nuôi (đặc biệt là vai trò quan trọng của xử nước trước khi cấp vào ao nuôi và xử lý nước ao trước khi thải ra môi trường) và động vật thủy sản bị mắc bệnh kịp thời, giảm thiểu sử dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm; xử lý môi trường theo các quy định, hướng dẫn hiện hành.
Nam Huy