Tập trung phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh

Thứ sáu - 15/05/2020 17:00 140 0
Từ tháng 02/2019 đến nay, nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Đến ngày 05/5/2020, cả nước có trên 99% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày và các địa phương đã có văn bản công bố, thông báo hết bệnh DTLCP.

Ảnh minh họa

Bệnh DTLCP đã  xuất hiện ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành ngày 06/7/2019 và phát sinh tại 78/95 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành phố. Ngày 26/01/2020, dịch bệnh đã được khống chế; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có văn bản công bố hết dịch. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Việc thực hiện nuôi tái đàn lợn để bù đắp lượng thiếu hụt do bị tiêu hủy được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đến nay đã tổ chức nuôi tái đàn lợn được 129.340 con. Nhờ vậy, tổng đàn lợn của tỉnh hiện nay khoảng 178.105 con tương đương với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (177.194 con).

Tuy nhiên, theo thông tin của Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua bệnh DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố (như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam,….), nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan trên địa bàn tỉnh. Ngày 15/5/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 993/UBND-KTTC đề nghị các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 1152/CT-BNN-TY ngày 17/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh và tái đàn, tăng đàn tại các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Tổng hợp báo cáo kết quả phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh gửi các cơ quan liên quan, cơ quan truyền thông để đưa tin về việc hết bệnh DTLCP trên địa bàn để người chăn nuôi nắm tình hình và tổ chức tái đàn. Đồng thời, rà soát và báo cáo tình hình công bố dịch, công bố hết bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, trước ngày 25/5/2020.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP đối với lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm hạn chế tới mức tối đa nguy cơ bệnh DTLCP tái phát; tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình và hướng dẫn chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thông tin cụ thể về tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh để người chăn nuôi nắm tình hình và có kế hoạch tổ chức tái đàn, tăng đàn phù hợp.

V.Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây