Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020

Thứ ba - 19/05/2020 19:00 152 0
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới năm 2020. Ngày 19/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 1032/UBND-KTTC đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 911/KH-UBND ngày 06/5/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2020, Kế hoạch số 577/KH-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Hoàn thành mục tiêu năm 2020, cụ thể: Thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 34 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới duy trì 19 tiêu chí và khẩn trương thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 22/01/2019 ban hành Quy định Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2020). Phấn đấu tăng thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Tân Bình Thành phố Tây Ninh, Tân Bình huyện Tân Biên, Tân Đông và Tân Hòa huyện Tân Châu, Phan huyện Dương Minh Châu, Phước Vinh và Hòa Thạnh huyện Châu Thành, Thạnh Đức huyện Gò Dầu, Tiên Thuận huyện Bến Cầu, Hưng Thuận và Phước Chỉ huyện Trảng Bàng), nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2020 là 45/71 xã, chiếm 63,3%. Số tiêu chí bình quân/xã 17,1 tiêu chí. Không có xã dưới 10 tiêu chí. 100% số xã biên giới đạt các tiêu chí nông thôn mới về hệ thống chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo. Thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm.

Chỉ đạo thực hiện lồng ghép nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án thuộc các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để thực hiện Chương trình, nhất là các tiêu chí nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động và công tác truyền thông phù hợp tình hình, nhu cầu thực tiễn; tiếp tục phát động, tổ chức triển khai sâu rộng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp thực tiễn, có hiệu ứng lan rộng trong nhân dân. Nội dung xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trong kế hoạch thực hiện hàng năm, giai đoạn của các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương.

Kiện toàn hệ thống Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý cấp xã thực hiện các Chương trình MTQG; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp và năng lực, nhận thức cộng đồng, người dân (nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa) về nội dung, phương pháp, cách làm nông thôn mới, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung: Quy hoạch, đề án Xây dựng xã nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, việc phát triển chuỗi giá trị, phù hợp quy định của Trung ương, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; nhất là việc quan tâm tới hạ tầng nông thôn, huy động tốt nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất gắn bảo vệ môi trường, hướng tới chú trọng cảnh quan.

Đẩy mạnh thực hiện các đề án: Cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030; thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012; Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020; đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Các cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo, gương điển hình tiên tiến phải được cập nhật, đưa tin, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời để vận dụng, nhân rộng.

Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương; tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình) chủ trì đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình của các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Định kỳ tổ chức điều tra sự hài lòng của người dân đối với tiến độ, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn trên cơ sở đó có định hướng, điều chỉnh thực hiện phù hợp. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và cơ chế phối hợp hoạt động liên ngành để thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây