Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015: 12 mục tiêu cụ thể đều đạt và vượt

Thứ hai - 12/10/2015 16:00 86 0
Đến năm 2015, Tây Ninh đã thực hiện được mục tiêu giảm 30% chi phí, giảm 1/3 thời gian giải quyết TTHC so với năm 2010; số thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 95%, giảm đáng kể tình trạng hồ sơ trễ hạn và tồn đọng so với những năm đầu của giai đoạn 2010 – 2015.

Cán bộ bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND thành phố Tây Ninh trong giờ làm việc. Ảnh: Quế Hương

Cách đây hơn một tháng, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014. Theo đó, Tây Ninh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố - tăng 13 bậc so với năm 2013, nằm trong nhóm hai, đạt chỉ số CCHC từ 80% đến dưới 90% (gồm 41 tỉnh, thành phố, xếp hạng từ vị trí số 3 đến số 44).

Đây được xem là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì của cấp uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đến nay, 12 mục tiêu cụ thể của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX “về CCHC giai đoạn 2011 – 2015” của UBND tỉnh (gọi tắt là Chương trình CCHC) đều được thực hiện đạt và vượt.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nêu rõ: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về CCHC, đi đôi với củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, xem đây là bước đột phá và là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên”.

Để thực hiện chương trình đột phá về CCHC, bên cạnh việc kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, tỉnh còn thành lập đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn. Trong 5 năm (2011 – 2015), đã tổ chức 6 đoàn, kiểm tra 179 lượt cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sau mỗi đợt kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện một số nhiệm vụ CCHC.

Qua kiểm tra cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là nhân tố quan trọng nhất trong thực hiện CCHC. Do đó, trong chỉ đạo, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung đối với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hằng năm. Tính từ năm 2011 đến ngày 30.6.2015, toàn tỉnh đã tiến hành rà soát 1.800 văn bản, trong đó có 510 văn bản hết hiệu lực;

Rà soát, hệ thống hoá 6.748 văn bản của HĐND, UBND các cấp giai đoạn 1999 – 2014, phát hiện 920 văn bản hết hiệu lực, 53 văn bản hết hiệu lực một phần, 35 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, còn tiến hành rà soát 1.115 văn bản của HĐND, UBND theo Hiến pháp năm 2013 và đã có kiến nghị, sửa đổi cho phù hợp.

Công tác tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh, rà soát, kiện toàn, khắc phục sự trùng lắp, bỏ trống, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được rà soát, sắp xếp để tinh gọn, tăng hiệu quả trong hoạt động, điển hình như: Giải thể Ban quản lý Dự án Trung tâm tái hiện di tích lịch sử Cách mạng miền Nam tại Bời Lời và Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Tây Ninh; kiện toàn Trung tâm Khuyến công tỉnh; giải thể Trung tâm dịch vụ, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm Khu Kinh tế Tây Ninh trực thuộc Khu Kinh tế tỉnh;

Thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền SDĐ các huyện, thành phố; thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở TN-MT trên cơ sở hợp nhất các Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và huyện, thành phố.

UBND tỉnh cũng đã tiến hành phân cấp quản lý đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên các lĩnh vực như phân cấp ngân sách, phân cấp đầu tư, quản lý dự án, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế… Các lĩnh vực phân cấp luôn được rà soát để kịp thời bổ sung, sửa đổi phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn của địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những khâu đột phá của công tác CCHC. Nhằm hạn chế việc gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho người dân, tỉnh đã tiến hành rà soát, bãi bỏ nhiều TTHC, điển hình như bãi bỏ Quyết định số 2103/QĐ-UBND ngày 9.10.2009 của UBND tỉnh về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai tại UBND xã, phường, thị trấn.

Do TTHC này phải “thông qua” nhiều cơ quan như UBND xã, cơ quan thuế, công chứng, Phòng TN-MT, UBND cấp huyện nên khi nộp hồ sơ ở một cửa duy nhất là UBND cấp xã rất khó thực hiện được… Rà soát và bãi bỏ các loại giấy tờ không có trong quy định của pháp luật như:

Bãi bỏ quy định sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng độc thân trong thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, bãi bỏ hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, bãi bỏ thủ tục thành lập tổ chuyên gia khi xét thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, bãi bỏ yêu cầu các doanh nghiệp phải có văn bản xin chủ trương của UBND tỉnh khi lập hồ sơ trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; bãi bỏ các quy định phí, lệ phí trong 19 TTHC về lĩnh vực đất đai…

Đối với Bộ TTHC do Chủ tịch UBND tỉnh công bố, được thường xuyên cập nhật, sửa đổi đúng quy định của Trung ương; các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc niêm yết công khai các TTHC. Hiện nay tổng số TTHC của toàn tỉnh còn lại được công bố, công khai và đang áp dụng thực hiện tại 3 cấp chính quyền là 1.713 TTHC. Trong đó, 1.311 TTHC cấp tỉnh, 224 TTHC cấp huyện và 178 TTHC cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan thường xuyên rà soát nhằm đơn giản hoá và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Động thái này đã góp phần rút ngắn một số TTHC như: thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 7 ngày giảm xuống còn 5 ngày;

Thủ tục giải thể doanh nghiệp từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; thủ tục bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh từ 3 ngày còn 1 ngày; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 92%, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm xuống dưới 121 giờ/năm.

Đến năm 2015, Tây Ninh đã thực hiện được mục tiêu giảm 30% chi phí, giảm 1/3 thời gian giải quyết TTHC so với năm 2010; số thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 95%, giảm đáng kể tình trạng hồ sơ trễ hạn và tồn đọng so với những năm đầu của giai đoạn 2010 – 2015.

Đến nay, toàn tỉnh có 123 cơ quan hành chính các cấp (19/19 sở, ban, ngành tỉnh; 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn) thực hiện cơ chế một cửa, tiếp nhận TTHC tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; 9/9 UBND huyện, thành phố áp dụng phần mềm một cửa điện tử;

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các thủ tục thuộc lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh – đăng ký mã số thuế cho doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, các thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai do UBND cấp huyện thực hiện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương.

Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước (cấp huyện, tỉnh) có cổng thông tin điện tử và cung cấp kịp thời thông tin, TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% dịch vụ hành chính công các đơn vị được cung cấp lên cổng/trang thông tin điện tử;

100% các cơ quan, đơn vị có chức năng tiếp công dân thực hiện và khai thác phần mềm liên thông tích hợp dữ liệu đơn thư từ cấp xã tới cấp tỉnh; 100% cơ quan Nhà nước ở cấp tỉnh và cấp huyện liên thông, luân chuyển văn bản thông qua hệ thống văn phòng điện tử (e-Office)…

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến ngày 30.6.2015, đã hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của 676 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh.

Đây là một bước chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý đội ngũ cán bộ, công chức trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức, xét chuyển loại viên chức, thi nâng ngạch được thực hiện kịp thời theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch; gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại theo vị trí, việc làm.

Theo kết quả khảo sát của Sở Nội vụ, trong năm 2014, tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp đạt 64,20%; ước trong năm 2015 đạt trên 65%.

Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: một số văn bản QPPL chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thời gian giải quyết một số TTHC có tính liên thông còn kéo dài, nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư;

Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở vài bệnh viện vẫn chưa được đa số người dân hài lòng; chính sách thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức sau đại học tại các cơ sở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho sinh viên tỉnh Tây Ninh đạt kết quả chưa cao; một vài đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, hiệu quả chưa cao...

Từ kết quả khả quan của chương trình CCHC giai đoạn 2011 – 2015, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện mục tiêu: xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả;

Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng hợp lý, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: đến năm 2020, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% các cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí, việc làm;

Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; hầu hết giao dịch của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng...

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây