Đoàn công tác kiểm tra công tác CCHC tại UBND thành phố Tây Ninh.
Để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC, thời gian vừa qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền CCHC trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực. Trong đó tập trung tuyên truyền về việc thực hiện công khai, niêm yết thủ tục hành chính (TTHC), tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết TTHC… tại các cấp chính quyền; đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, tổ chức đối thoại trao đổi ý kiến về CCHC trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho công chức chuyên trách CCHC và công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp… Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Cổng thông tin điện tử của tỉnh duy trì và cập nhật thường xuyên các thông tin cần thiết về các hoạt động của công tác CCHC để tuyên truyền cho cá nhân, tổ chức, nhân dân được biết. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí của tỉnh đã duy trì việc tuyên truyền để khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình CCHC, đóng góp những sáng kiến, phương án đơn giản hoá TTHC bằng nhiều hình thức thiết thực.
Tỉnh cũng chỉ đạo, triển khai công tác phát phiếu đo lường mức độ hài lòng của người dân, lấy ý kiến của tổ chức, công dân về công tác CCHC, giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra của Sở Nội vụ hằng năm cho thấy đối với công tác này được thực hiện nghiêm túc và việc làm trên đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm trong thực hiện công tác CCHC, giải quyết TTHC để từng cơ quan, đơn vị tiếp tục khắc phục và đổi mới phương thức làm việc để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Nội vụ là cơ quan thường trực về CCHC của tỉnh đã chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương... Đồng thời, duy trì hoạt động kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ở nhiều đơn vị, địa phương cũng chủ động trong thực hiện tự kiểm tra về tổ chức và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, kiểm soát TTHC… tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Song song với các hoạt động trên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tiếp tục được tăng cường thực hiện để trao đổi thông tin, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, thuận tiện hơn. Các cơ quan đang tích cực đẩy mạnh việc sử dụng các phần mềm văn phòng điện tử (eOffice), Họp không giấy, Một cửa điện tử, Chữ ký số để giải quyết công việc và trao đổi thông tin. Hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai cho 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 78% UBND cấp xã. Đến nay, các văn bản điện tử được trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thực hiện nhanh chóng; đảm bảo thông tin chỉ đạo kịp thời, chính xác, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ cao văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử.
Bên cạnh đó, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng được triển khai cho 100% sở, ban, ngành; 100% UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện ký số trên 7 loại văn bản quy định để luân chuyển văn bản điện tử trên môi trường mạng. Về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin điện tử tỉnh cung cấp 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 2; đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và mức độ 4 trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, có 122 cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện cơ chế một cửa, trong đó: 18/18 sở, ban, ngành tỉnh; 9/9 huyện, thành phố và 95/95 xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đã nêu trên, đánh giá chung công tác tuyên truyền về cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mục tiêu đề ra. Kết quả tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về cải cách của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nội dung tuyên truyền chưa sâu chủ yếu là nêu những mặt tốt, tích cực, chưa mạnh dạn nêu ra những mặt yếu kém, hạn chế, chưa làm được hoặc các biểu hiện vi phạm chế độ chính sách, vi phạm đạo đức công vụ... Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn; chưa thực sự chủ động và nhạy bén. Bên cạnh đó, nguồn lực phục vụ cho công tác tuyên truyền về cải cách hành chính vẫn còn hạn chế. Việc đầu tư kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác tuyên truyền cải cách hành chính ở các cấp chính quyền vẫn còn hạn chế.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa dành thời gian, sự quan tâm thỏa đáng trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa phù hợp, chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính; tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, thậm chí còn gây phiền hà, tiêu cực với tổ chức và công dân, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các cơ quan thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chưa thường xuyên…
Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định công tác tuyên truyền về CCHC là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính một cách có hiệu quả nhất. Thông qua công tác tuyên truyền hầu hết các đơn vi, địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện cải cách hành chính và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn tiếp theo. Thời gian vừa qua, nhìn chung các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã gắn nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính vào Nghị quyết của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bước đầu tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức, viên chức. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong thực hiện CCHC trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, ngoài việc tăng cường chỉ đạo điều hành, kiểm tra kiểm soát các hoạt động cải cách, thì công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức cũng là một trong những giải pháp trọng tâm cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
TC