Chương trình hành động về bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh năm 2019

Thứ tư - 08/05/2019 16:00 69 0
Ngày 07/5/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 906/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động về Bình đẳng giới tỉnh Tây Ninh năm 2019.

Kế hoạch triển khai nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nhằm giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Với 07 mục tiêu cùng các chỉ tiêu cụ thể như sau:

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đạt từ 70% trở lên các sở, ban, ngành đoàn thể và 90% UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 80% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, bảo đảm có ít nhất từ 45% trở lên cho mỗi giới được tạo việc làm mới hằng năm, p hấn đấu tăng tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 35%; Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%; Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 90%.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đảm bảo tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95% trở lên, phấn đấu tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ đạt 50%/số lượng cán bộ, công chức có trình độ thạc sỹ hiện có của tỉnh, tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ đạt 20%/số lượng cán bộ, công chức có trình độ tiến sỹ hiện có của tỉnh.

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 107,53 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ nhiễm HIV, giảm tỷ lệ phá thai.

Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, phấn đấu giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. 100% Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần; Đạt 60% trở lên số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và đạt 85% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, đảm bảo 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; 100% thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới; 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần; Phấn đấu bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên ở khu phố, ấp tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, Thành phố tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.

Chi tiết kế hoạch tại đây.

Minh Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây