Chỉ số PCI năm 2020: Tây Ninh xếp 24/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm khá

Thứ năm - 15/04/2021 14:00 83 0

​Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện, vừa được công bố sáng nay 15/4, Tây Ninh đạt 64,16 điểm, xếp hạng 24/63 tỉnh thành, thuộc nhóm khá, giảm 9 hạng so với năm 2019.

​Năm 2019, Tây Ninh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố với 67,05 điểm.

So với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh xếp thứ 4/8 tỉnh, thành. Đứng đầu là tỉnh Bình Dương, xếp cuối là tỉnh Bình Phước.

 

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2020, Quảng Ninh là tỉnh duy trì vị trí dẫn đầu với 75,09 điểm – đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh này giành vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2020 là tỉnh Đồng Tháp, một lần nữa vượt qua kỷ lục của chính mình, khi đạt 72,81 điểm và xác lập năm thứ 13 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.

Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là tỉnh Long An (70,37 điểm) và tỉnh Bình Dương (70,16 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 bao gồm Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).

Được biết, Báo cáo PCI 2020 là ấn phẩm lần thứ 16 do VCCI và USAID hợp tác xây dựng, công bố đánh giá về chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở Việt Nam. PCI 2020 được 8.633 doanh nghiệp tham gia phản hồi điều tra về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm 2020.

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt và Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

PCI không chỉ là bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố, là tín hiệu và động lực để nhiều tỉnh, thành phố đẩy nhanh quá trình cải cách, là kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, là “tiếng lòng” của doanh nghiệp, là biểu tượng của sự cầu thị và lắng nghe của hệ thống chính quyền… mà nó còn thể hiện sức đổi mới từ cấp cơ sở. Những mô hình tốt, những cách làm hay trong quá trình cải cách PCI có sức khơi gợi và lan tỏa rất lớn. Một trong những lực đẩy mạnh mẽ nhất của quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam đến từ cấp tỉnh.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây