Đánh giá năng lực cạnh tranh để mỗi sở, ban, ngành, địa phương “tự soi, tự sửa”

Thứ sáu - 10/11/2023 15:05 345 0
BTN - Kết quả DDCI 2022 đối với 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có điểm số DDCI trung vị đạt mức 61,44/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm).

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là DDCI 2022). Đây là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh đánh giá DDCI.

Với cách tiếp cận thông qua đánh giá của doanh nghiệp, kết quả DDCI là cơ sở để mỗi sở, ban, ngành, địa phương nhìn nhận lại chất lượng điều hành, đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. 

https://baotayninh.vn/image/fckeditor/upload/2023/20231110/images/174_2023-dsc05865.JPG

Bộ phận Một cửa của UBND thị xã Hoà Thành được đầu tư khang trang.

DDCI - Bức tranh chung về năng lực điều hành kinh tế

DDCI Tây Ninh 2022 được khảo sát trên 1.010 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã (gọi tắt là DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả thu về được 908 phiếu khảo sát, tương ứng với 1.453 ý kiến đánh giá của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, có 387 ý kiến đánh giá chính quyền địa phương và 1.066 ý kiến đánh giá các sở, ban, ngành tỉnh. Với phương pháp chọn mẫu được lựa chọn, kết quả khảo sát cho thấy bức tranh chung về các DN cũng như cảm nhận của họ về năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh.

Năm 2022, cộng đồng DN cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng phải chịu nhiều yếu tố tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như lãi suất tăng, giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao.

Điều này phần nào ảnh hưởng đến cảm nhận của DN đối với môi trường kinh doanh không chỉ của tỉnh Tây Ninh nói riêng mà trên cả nước nói chung. Tuy nhiên nhìn chung, kết quả DDCI Tây Ninh 2022 cho thấy cảm nhận tương đối khả quan của cộng đồng DN đối với hoạt động quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.

Điểm số DDCI trung vị của các sở, ban, ngành đạt 62,77/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm); có 1 đơn vị thuộc nhóm tốt, 7 đơn vị thuộc nhóm khá tốt, 4 đơn vị thuộc nhóm khá và 4 đơn vị thuộc nhóm trung bình khá. Kết quả khảo sát cũng cho thấy theo cảm nhận của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khoảng cách trong chất lượng quản lý, điều hành giữa các sở, ban, ngành là không quá lớn với độ lệch chuẩn đạt 1,03 điểm; khoảng cách điểm số giữa đơn vị tốt nhất với đơn vị kém nhất là 3,68 điểm.

DDCI Tây Ninh 2022 ghi nhận Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đứng đầu khối sở, ban, ngành với số điểm đạt 64,28 điểm, là đơn vị duy nhất ở nhóm tốt. 3 chỉ số thành phần: tính năng động và hiệu lực thi hành, cạnh tranh bình đẳng, ứng dụng công nghệ thông tin của Sở GTVT đứng đầu khối.

Trong năm, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định, văn bản đề xuất, chỉ đạo thực hiện liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng…

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở luôn xác định người dân và DN là trung tâm phục vụ. Để thực hiện tốt bộ chỉ số DDCI, Sở GTVT tập trung 4 vấn đề: con người, quy trình, công nghệ và kiểm tra, giám sát. Sở cũng tổ chức đối thoại DN, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, hộ kinh doanh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để DN và các hộ kinh doanh phát triển.

Kết quả DDCI 2022 đối với 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có điểm số DDCI trung vị đạt mức 61,44/100 điểm, không có đơn vị nào có điểm số dưới trung bình (50 điểm). Khoảng cách giữa địa phương đứng đầu và địa phương đứng cuối là 4,24 điểm, trong đó, địa phương cao nhất đạt 63,68 điểm và địa phương thấp nhất đạt 59,45 điểm.

Kết quả DDCI của các huyện, thị xã, thành phố được xếp thành 4 nhóm: nhóm khá tốt gồm 3 địa phương theo thứ tự là thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu; nhóm khá gồm 2 địa phương là thành phố Tây Ninh và huyện Tân Biên; nhóm trung bình khá gồm huyện Tân Châu và Châu Thành; nhóm trung bình cuối bảng là Bến Cầu và Dương Minh Châu.

Đồng tình với phân tích và các giải pháp cải thiện chỉ số DDCI của đơn vị tư vấn, lãnh đạo UBND huyện Bến Cầu thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, huyện chưa thực sự quan tâm đúng mức, cán bộ công chức xã, thị trấn và các phòng ban liên quan chưa chủ động tham mưu hỗ trợ cho các DN. Nhất là quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN một cách kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở phân tích chỉ số DDCI 2022, trong thời gian tới, Bến Cầu đề ra một số giải pháp để cải thiện chất lượng điều hành, nâng cao chỉ số DDCI, trước hết là quan tâm tạo điều kiện, thực hiện đối thoại DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; rà soát các tồn tại, hạn chế, những chỉ số còn đạt thấp để có giải pháp cải thiện; công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ…

Góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Tây Ninh đạt 62,31 điểm (giảm 1,59 điểm so với năm 2021), xếp hạng thứ 55/63 tỉnh, thành phố (giảm 18 bậc so với năm 2021); so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Ninh xếp ở nhóm cuối. Kết quả PCI 2022 cũng cho thấy có đến hơn 70% và 68% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng: “Các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh” và “Chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”. Điều này cho thấy chính quyền tỉnh cần phải rất nỗ lực trong công tác cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, sự năng động, sáng tạo và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt ở cấp sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Việc triển khai nhiệm vụ đánh giá nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh đến cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố là giải pháp rất quan trọng, để kịp thời đề ra các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.

Tiến sĩ Huỳnh Huy Hoà- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (đơn vị tư vấn) cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên Tây Ninh thực hiện đánh giá chỉ số DDCI, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nói chung và của các sở, ban, ngành, địa phương nói riêng. Kết quả chỉ số DDCI 2022 phần nào phản ánh được năng lực thực sự của chúng ta, mặc dù chưa cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN đánh giá tốt, tích cực và tôi nghĩ trong những năm tiếp theo, tỉnh nên duy trì việc đánh giá này. Ngoài việc tự soi lại mình, chúng ta có thể xem xét, so sánh để thấy sự tiến bộ của chính chúng ta so với năm trước và cũng dựa vào kết quả này để đánh giá thi đua, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh”.

Tiến sĩ Huỳnh Huy Hoà và nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá DDCI, nhất là quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần bị đánh giá thấp như tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực thi hành; cạnh tranh bình đẳng…

“Tôi cho rằng, một khi đã có kết quả đánh giá chỉ số DDCI, các đơn vị trong cả hai khối tiến hành rà soát cụ thể chi tiết theo từng chỉ số thành phần của DDCI, bởi bộ dữ liệu này cho phép chúng ta hiểu rõ về bản thân và nhu cầu của DN để có những giải pháp thiết thực cải thiện trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, kết quả DDCI Tây Ninh 2022 cho thấy sự khác biệt về cảm nhận của DN với từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Không có một đơn vị hoàn hảo và mỗi đơn vị cần nghiêm túc học hỏi cơ quan đứng đầu trong mỗi chỉ số thành phần. Đây là cách thức hiệu quả để cải thiện vị trí DDCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần cải thiện thứ hạng PCI cũng như năng lực điều hành kinh tế của tỉnh Tây Ninh về trung và dài hạn”- Tiến sĩ Huỳnh Huy Hoà cho biết.

Theo baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây