Theo đó, trong năm 2019 sẽ tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 4.205 lao động nông thôn, trong đó: nghề nông nghiệp 2.710 lao động, nghề phi nông nghiệp 1.465 lao động, Lao động nữ chiếm khoảng 40%, lao động là người khuyết tật chiếm ít nhất 10%; Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội cho cán bộ công chức cấp xã với 310 người.
Đối tượng học nghề bao gồm có lao động nữ, người khuyết tật, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi với nam, đến 55 tuổi với nữ) có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm. Thời gian đào tạo theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 15/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục nghề và định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2016.
Hình thức hỗ trợ đào tạo, trường hợp người học đăng ký học tại các cơ sở đào tạo là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp: Hỗ trợ thông qua hình thức giao nhiệm vụ giữa UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ sở đào tạo công lập trực thuộc. Hỗ trợ thông qua hình thức đặt hàng giữa UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ sở đào tạo công lập không phải là đơn vị trực thuộc theo quy định về đặt hàng đào tạo.
Trường hợp người học đăng ký học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp: hỗ trợ thông qua hình thức đặt hàng giữa UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ sở đào tạo ngoài công lập theo quy định về đặt hàng đào tạo. Cơ sở đào tạo hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh căn cứ kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng có trách nhiệm thanh toán tiền ăn, đi lại cho người học theo quy định.
Trường hợp người lao động tự ý nghỉ học, bỏ học hoặc buộc thôi học, cơ sở đào tạo hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo số lượng học viên và thời gian thực tế tham gia học nghề.
Các cơ sở đủ điều kiện đào tạo nghề bao gồm: Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh; Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh.; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh; Trường Trung cấp Á Châu; Trường Trung cấp Tân Bách Khoa; Trung tâm dịch vụ việc làm Tây Ninh; Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt; Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố; Trung tâm học tập sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh; Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh; Công ty Cổ phần Doanh nhân Tây Ninh và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
Hoàng Nam