Kế hoạch hành động về dinh dưỡng của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Thứ hai - 16/07/2018 16:00 100 0
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về dinh dưỡng của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

Theo Kế hoạch, đến năm 2020, tình trạng dinh dưỡng cho người dân được cải thiện rõ rệt, trước hết là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em giảm mạnh, bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Bữa ăn của người dân ở các vùng sâu, vùng xa được cân đối và hợp lý hơn về dinh dưỡng. Nhận thức và hành vi về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân được nâng cao, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực. Kiểm soát hiệu quả các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (chiều cao/tuổi) của trẻ em dưới 05 tuổi xuống dưới 14.3%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) của trẻ em dưới 05 tuổi xuống dưới 10,0%; Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%; Giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) xuống dưới 4%.

Giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người dân: Trên 95% trẻ em từ 06 - 36 tháng được uống vitamin A liều cao 2 lần/năm; Giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 23%; Giảm tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 05 tuổi xuống dưới 15%; Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt hng ngày đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt > 90%, mức trung vị I-ốt niệu của hộ gia đình đạt từ 10 - 20 µg/dl.

Dung-tre em uong vitamin A tai TYT.JPG

Hình: trẻ em uống vitamin A tại Trạm Y tế.

Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý: Tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu ở mức ≥ 35%; Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng nói chung và thực hành dinh dưỡng đối với trẻ ốm đúng đạt > 85%.

Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của người dân, từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành: Khống chế tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 05 tuổi ở mức dưới 5% đối với vùng nông thôn và 10% đối với vùng thành thị; ở người trưởng thành ở mức dưới 12%.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế: Bảo đảm 50 % cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh được đào tạo có chứng chỉ về chuyên ngành dinh dưỡng; Bảo đảm 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng; Bảo đảm 100% tuyến tỉnh thực hiện giám sát dinh dưỡng theo quy định; 100 % tình huống khẩn cấp về dinh dưỡng do thiên tai, thảm họa được đánh giá và can thiệp kịp thời; Bảo đảm 100% số huyện thực hiện giám sát dinh dưỡng theo quy định.

Kế hoạch cũng đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Tập trung thực hiện chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khuyến khích nhân dân cùng tham gia thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến tận xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao kiến thức về thực hành dinh dưỡng hợp lý, góp phần nâng cao tầm vóc của người dân.

Đối với các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật: tập trung vào các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em; phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt; phòng, chống các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng và triển khai các hoạt động dinh dưỡng hợp lý tại trường học.

Phát triển nguồn nhân lực cán bộ dinh dưỡng ở các cấp, chú trọng tới việc xây dựng và nâng cao năng lực cho mạng lưới cán bộ tuyến cơ sở đủ khả năng triển khai công tác tại địa phương thông qua việc thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức dinh dưỡng. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý, tiến tới thay đổi hành vi, thực hành dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh; Kiện toàn mạng lưới và tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng các cấp.

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai và hướng dẫn thực hiện Kế hoạch theo nội dung đã được phê duyệt.

          KGVX

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây