Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là Phát triển kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã gắn các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất và người dân nhất là khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ, phát triển khu vực KTTT, HTX cả chiều sâu và chiều rộng; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mô hình KTTT nhanh và bền vững; khuyến khích hợp tác xã ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản phẩm từ nghề truyền thống qua mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh của kinh tế thành viên; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường; góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể tới năm 2025 đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX vào GRDP của tỉnh chiếm 0,3% GRDP của tỉnh. Tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển mới 50 tổ hợp tác; 75 hợp tác xã; 01 liên hiệp hợp tác xã. Lũy kế số HTX đến năm 2025 là 190 HTX (115 hợp tác xã nông nghiệp, 75 HTX phi nông nghiệp), 135 THT và 01 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Có 30% Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Doanh thu bình quân của HTX: 20.240 triệu đồng/HTX, lãi bình quân là 650 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX: 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học: 50% trong tổng số cán bộ quản lý HTX.
Để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch, UBND tỉnh đề ra các giải giáp chủ yếu: (1) Nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị ở địa phương về phát triển KTTT, HTX theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (2) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng số lượng HTX, thành lập mới, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận chính sách, huy động nguồn lực phát triển và hoạt động đúng pháp luật; (3) Về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; (4) Tăng cường hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh; (5) Về phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT; (6) Về tăng cường hợp tác quốc tế về KTTT; (7) Về xây dựng chương trình, dự án mang tính đột phá; (8) Giải pháp về bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua mô hình KTTT, HTX, liên hiệp HTX.
UBND tỉnh giao các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại đơn vị, địa phương mình. Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 - 2025, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện.
Ngọc Bích