UBND tỉnh ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2021

Thứ bảy - 16/01/2021 16:00 141 0
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành quyết định số 02/QĐ-UBND Ban hành Quyết định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2021.
Mục tiêu chung: Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Quyết định đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021, cụ thể: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu (bao gồm: 9 chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, 07 chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội và 03 chỉ tiêu về lĩnh vực môi trường). Cụ thể:

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) phấn đấu tăng 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 3.300 USD, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành): nông - lâm - thủy sản: 20-21%, công nghiệp - Xây dựng: 44-45%, dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm): 29-30%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.500 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%, số lao động có việc làm tăng thêm là 16.000 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 71%, tỷ lệ thất nghiệp: khu vực thành thị: 1,65%, khu vực nông thôn: 1,35%, đạt 7,8 bác sĩ/vạn dân và 26 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) còn dưới 20,5%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 76%, trong đó 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về môi trường: Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%, tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025, UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; khẩn trương lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư.

2. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.

3. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

4. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị. Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Có giải pháp bảo đảm cơ cấu nguồn thu ngân sách hợp lý, ổn định. Hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Tiếp tục thực hiện Chương trình đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tập trung bố trí vốn đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, có tính kết nối và lan tỏa vùng. Tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực hiện Chương trình phát triển đô thị Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030; chọn Thành phố Tây Ninh là mô hình điểm về xây dựng đô thị văn minh.

5. Triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng các chỉ số: năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và mức độ phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế cùng nhau phát triển. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

6. Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội  

7. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2026; rà soát việc sử dụng các loại đất, nhất là đất trồng lúa bảo đảm phù hợp với hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đã giao, cho thuê đối với các dự án đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm từ sản xuất; đẩy mạnh xử lý rác thải sinh hoạt; tập trung xử lý hiệu quả, ngăn ngừa lục bình, ô nhiễm sông Vàm Cỏ. Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất; gắn phát triển rừng với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội.

8. Tạo bước đột phá phát triển nguồn lực, gắn cải cách hành chính, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đẩy mạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh; vận hành hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và tinh thần phục vụ nhân dân; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

9. Củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường các hoạt động đối ngoại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng trong bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt. Tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới. Triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại, sơ tổng kết các chương trình đã ký kết hợp tác và xem xét, ký kết hợp tác mới với các địa phương, tổ chức kinh tế ngoài nước; tăng cường quản lý biên giới, củng cố mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với Vương quốc Campuchia.

10. Tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chú trọng tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, có tác động lan tỏa tích cực. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận xã hội. Đấu tranh ngăn chặn, phản bác hiệu quả thông tin xuyên tạc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngân Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây