Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 25/02/2021 11:00 124 0
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015 đến nay xảy ra 57 vụ án giết người, làm chết 58 người, bị thương 21 người, đã khởi tố 53 vụ 83 bị can, không khởi tố 04 vụ, 04 đối tượng (do người thực hiện hành vi phạm tội tự sát đã chết). Đa số các đối tượng phạm tội có lối sống buông thả, thích thể hiện, xem thường pháp luật, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là thanh, thiếu niên; mặt khác là do các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại, bạo lực xâm nhập từ bên ngoài vào ngày càng nhiều (nhất là trên môi trường mạng xã hội). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội hiệu quả chưa cao; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngày 23/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 479/KH-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đồng thời, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng. Từng bước kiềm chế, tiến tới kéo giảm tội phạm, không để tội phạm giết người xảy ra phức tạp, gây bức xúc, lo lắng, bất an trong Nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tổ chức sinh hoạt, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng, đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, thường xuyên đánh giá phân tích nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm giết người để đưa ra các giải pháp kéo giảm, hạn chế số vụ giết người xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm giết người. 

Theo đó, nội dung nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền: Nâng cao vai trò, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về tình hình an ninh trật tự tại địa phương; các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, theo lĩnh vực công tác, theo ngành, theo giới... tăng cường tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, nhất là tích cực trong công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người và quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, người lao động, thanh niên, phụ nữ, hội viên, đối tượng ở cộng đồng dân cư..., củng cố, nhân rộng các mô hình toàn dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc để vận động người dân tham gia tố giác tội phạm; nâng cao hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn nhỏ, không để hậu quả xấu xảy ra ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ động nắm và đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân phát sinh của tội phạm, nhất là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội để phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa có hiệu quả hơn. Tăng cường phối hợp Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin, phát sóng phim phóng sự về nguyên nhân, điều kiện, hậu quả tác hại của tội phạm giết người, cách nhận diện các nguyên nhân có nguy cơ cao dẫn đến phạm tội giết người và kỹ năng xử lý, ứng phó trong các tình huống bạo lực để Nhân dân cảnh giác, phòng ngừa như khi phát hiện đối tượng trộm đột nhập, khi bị cướp tài sản, khi gặp đối tượng "ngáo đá", đối tượng mắc bệnh tâm thần, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp tài sản,… để người dân biết, có biện pháp phòng tránh và báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết.

DM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây