Để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; Ngày 14/10/2016 UBND tỉnh ban hành Công văn số 2912/UBND-NC yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp, của Ban chỉ đạo tổng kiểm tra và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (BCĐ110) về công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ; Triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng về việc tiếp nhận, thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường năng lực, điều kiện bảo đảm và kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng công binh tham gia rà phá bom mìn, vật nổ theo hướng tăng cường huấn luyện, củng cố, đầu tư mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ; Tham mưu cho UBND tỉnh, Quân khu và Ban Chỉ đạo 504 của Chính phủ nghiên cứu, cung cấp bản đồ các khu vực ô nhiễm bom mìn theo kết quả khảo sát ô nhiễm bom mìn năm 2011 và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; Tổ chức tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy bom mìn, vật nổ đúng quy trình kỹ thuật và duy trì hoạt động lực lượng làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do các tổ chức, cá nhân giao nộp; Định kỳ báo cáo kết quả việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ, thu gom, giao nhận, xử lý, tiêu huỷ bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, báo cáo cho cơ quan cấp trên theo quy định.
Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 110 tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tổng kiểm tra, vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật nổ, công cụ hỗ trợ; Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đồng thời lên danh sách, lập hồ sơ quản lý chặt các cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở hàn sắt, các đối tượng chuyên dò tìm kim loại.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân và cơ quan quân sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cho nhân dân, kịp thời trình báo khi phát hiện có vũ khí, bom mìn, công cụ hỗ trợ, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh cho các cơ quan chức năng. Cử lực lượng phối hợp với cơ quan quân sự, Công an bảo vệ và phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thu gom, tiêu hủy, xử lý bom mìn, vật liệu nổ; Khi xảy ra tai nạn trên địa bàn thuộc Biên phòng quản lý, chủ động phối hợp với cơ quan Công an khoanh vùng, điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn do người dân thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh trong chỉ đạo, xác định nguồn gốc, chủng loại bom mìn, vật nổ gây ra tai nạn để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với các địa phương, các cơ quan quản lý lao động để kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động; chế độ chính sách đối với các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở tại các khu vực bị ô nhiễm bom mìn; công tác giáo dục, hướng nghiệp cho các đối tượng chưa có việc làm; Phát huy hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, dự án liên quan được giao trong chương trình 504.
Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành, địa phương có liên quan tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị và biên tập tài liệu tuyên truyền, hướng dân nhân dân trên địa bàn biêt cách sơ cứu ban đâu đối với nạn nhân bị tai nạn bom mìn, vật nổ.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, báo Tây Ninh theo chức năng được giao phối họp với các cơ quan có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
UBND các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân tự ý thu gom, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ; mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; Bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ theo Quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng về việc tiếp nhận, thu gom, giao nhận, xử lý, tiêu huỷ bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
MT