Tây Ninh tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 28/01/2016 17:00 85 0
Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi; Ngày 22/01/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 172/UBND-KTN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh.

​Theo thông báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc  (FAO), trong năm 2015, Trung Quốc có thêm 226 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 94 ca tử vong. Cho đến nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện trên người, gia cầm và môi trường tại Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam. Ngoài ra, trong năm 2015, Trung Quốc đã báo cáo cho Tổ  chức Thú y thế giới (OIE) về các ổ dịch cúm trên gia cầm do vi rút cúm A/H5N1,A/H5N2,A/H5N6 (Đại lục) và A/H5N2,A/H5N3,A/H5N8 (vùng lãnh thổ Đài Loan). Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N3, A/H5N8, A/H9…) xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi; Ngày 22/01/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 172/UBND-KTN yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố Tây Ninh rà soát, thống kê các chợ có buôn bán gia cầm sống, các điểm thu gom gia cầm sống gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 26/01/2016 để theo dõi, tập trung giám sát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu;

Phối hợp với các đơn vị chức năng của Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh tiếp tục tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới  nhằm ngăn chặn nguồn lây lan vi rút cúm gia cầm vào trong tỉnh.

Chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng phối hợp với thú y địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển bất hợp pháp, buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào trong nước tiêu thụ.

UBND các huyện và các xã thuộc khu vực biên giới chịu trách nhiệm tổ chức kiểm soát; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.

Tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm để thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi phiên chợ; khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người" theo Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 12/3/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh. Xây dựng, tuyên truyền áp dụng các mô hình chăn nuôi VietGap để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn.

Triển khai thực hiện các Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2016, trong đó có kế hoạch thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh làm cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Chi cục Thú y tăng cường thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Tăng cường công tác giám sát lâm sàng và lấy mẫu giám sát chủ động vi rút cúm trên gia cầm và môi trường tại các chợ buôn bán gia cầm sống, trên gia cầm nhập lậu, tại khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch và vi rút lưu hành để xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng và lây nhiễm vi rút cúm cho người.

Khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm mới xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay đồng thời tổ chức các biện pháp xử lý triệt để bao gồm cả biện pháp tạm ngừng buôn bán gia cầm sống trong thời gian 07 – 10 ngày đối với chợ có phát hiện vi rút cúm để tiêu độc khử trùng.

Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động, phương tiện, hóa chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện " Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người". Chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh cúm, chủ động phối hợp với cơ quan thú y để điều tra xác minh, truy xuất nguồn gốc gia cầm có liên quan nhằm kịp thời xử lý.

Sở thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9, cách bảo vệ đàn gia cầm và bảo vệ con người tránh nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây cho con người.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây