Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Thứ sáu - 03/07/2020 09:00 526 0
Thực hiện Báo cáo số 552-BC/TU ngày 22/05/2020 của Tỉnh ủy Tây Ninh về việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ngày 02/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 1403/UBND-VHXH yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:

Ảnh minh họa

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 41-CT/TW gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các Nghị quyết, các quy định của Đảng, Nhà nước về lễ hội, về giá trị lịch sử - văn hóa di tích và lễ hội đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lễ hội, gắn việc tổ chức lễ hội với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Tiếp tục quán triệt, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ trong giờ hành chính, không dùng xe công tham gia lễ hội.

Theo đó, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền.

Hướng dẫn các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có phương án quản lý thùng tiền công đức theo quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thực hiện yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội (vi phạm) theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý lễ hội.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức Hội xuân Núi Bà hằng năm. Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc, dịch vụ đổi tiền có chênh lệch giá… diễn ra tại khu di tích. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện việc niêm yết giá đối với các dịch vụ, hàng hóa; đảm bảo việc bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không bán các đồ chơi mang tính bạo lực; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng; thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của du khách thực hiện các quy định của Nhà nước về tham gia và tổ chức lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, của Di tích lịch sử văn hóa-danh thắng núi Bà Đen nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội và tín ngưỡng của du khách.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quản lý; không để xảy ra các hoạt động, hành vi phản cảm, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc; đảm bảo các lễ hội dân gian được tổ chức theo đúng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân; chú trọng giữ gìn và phát triển các lễ nghi truyền thống; giới thiệu tôn vinh quảng bá ngành nghề thế mạnh của địa phương trong các lễ hội và phát huy tốt vai trò tham gia của cộng đồng; chỉ đạo dừng tổ chức với những lễ hội có nội dung phản cảm, bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội; bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội.

VH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây