Tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19

Thứ ba - 17/08/2021 12:00 112 0
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đã có nhiều kết quả tích cực, thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Cụ thể: GRDP khu vực nông nghiệp theo giá hiện hành đạt 8.800 tỷ đồng chiếm 20% cơ cấu kinh tế tỉnh (tăng 2,64% so với CK) đóng góp 0,61 điểm % tăng trưởng vào tăng trưởng chung của tỉnh; diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng vật nuôi vẫn ổn định.

​Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, với việc 19 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam trong đó có Tây Ninh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản của người dân. Một số mặt hàng nông sản bị ách tắc, ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng gây khó khăn trong tiêu thụ, giá thành sản phẩm giảm sâu dẫn đến thua lỗ cho người sản xuất. Ngày 17/8/2021,Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn đề nghị:

Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập các Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Rà soát, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho mùa vụ sản xuất tiếp theo, như: Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất …; khả năng cung ứng. Có cơ chế linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi thông thương giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và chế biến. Dự kiến những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.

Tăng cường thông tin về tình hình sản xuất, sản lượng các mặt hàng, xu hướng xuất nhập khẩu và dự báo giá thị trường… để làm cơ sở khuyến cáo, định hướng sản xuất, chế biến cho người dân và doanh nghiệp.

Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sư đoàn 5 phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lực lượng, phương tiện để giúp nông dân thu hoạch nông sản. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải có kế hoạch hiệp đồng cụ thể với địa phương; lực lượng tham gia giúp nông dân phải chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, pháp luật, kỷ luật quân đội và bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện; tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân – dân, giữ vững hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn; có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản đảm bảo thúc đẩy sản xuất. Đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản giúp nông dân, đảm bảo nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hoá nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân nhất là người dân trong khu vực phong toả, cách ly.

Tạo điều kiện cho cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, giết mổ; các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ảnh hưởng đến sinh kế người dân, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly. Trường hợp các đơn vị tạm ngưng hoạt động phải kịp thời hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị tuân thủ thực hiện và sớm hoạt động trở lại khi đã đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đầu tư, liên kết với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và phương tiện đi qua các chốt kiểm dịch sau khi đã đáp ứng các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các phương tiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và chế biến (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin…)

Duy trì và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhất là khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập nhằm đảm bảo diện tích, năng suất sản lượng của cây trồng, vật nuôi ổn định so với cùng kỳ, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân sau dịch. Trừ trường hợp bị cách ly, tạo điều kiện cho người nông dân các xã liền kề được qua lại sản xuất, thu hoạch nông sản sau khi khai báo y tế đầy đủ.

Các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, giết mổ; các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất với phương châm “vừa sản xuất vừa phòng chống dịch”.

Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, tình hình xuất, nhập khẩu để linh động trong sản xuất; chủ động liên kết, tiêu thụ sản phẩm với nông dân đồng thời kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi trong giai đoạn dịch Covid-19 đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Các cơ sở chế biến, giết mổ, cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn dịch bệnh, tổ chức “3 tại chỗ” và thường xuyên xét nghiệm cho công nhân. Đối với các cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện tổ chức “3 tại chỗ” thì chỉ nhận công nhân tại chỗ (không nằm trong vùng phong tỏa hoặc cách ly) để đảm bảo không có việc di chuyển từ huyện này sang huyện khác, đồng thời tiến hành xét nghiệm định kỳ cho người lao động.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây