Triển khai kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới

Thứ năm - 24/09/2020 15:00 145 0
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến ngày 08/9/2020, tổng cộng đã có 67 ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra tại 67 xã, 45 huyện của 24 tỉnh, thành phố trong đó có 10 ổ dịch phát sinh tại 9 tỉnh, thành phố nhưng chưa qua 21 ngày; số ổ dịch tăng gấp 2 lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2017 đã xảy ra 01 ổ dịch Cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu; năm 2018 xảy ra 01 ổ dịch tại huyện Châu Thành; năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay tuy không xảy ra bệnh Cúm gia cầm nhưng nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất cao, nhất là tại khu vực biên giới.

 Để chủ động phòng, chống bệnh Cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, ngày 23/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 2292/UBND-KTTC đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công văn số 167/TTg-NN ngày 05/02/2020 về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 09/3/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm) và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của UBND tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với lực lượng thú y và các đơn vị có liên quan chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo Công văn số 2203/UBND-KTTC ngày 15/9/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, theo Kế hoạch số 2810/KH-SNN, ngày 31/7/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm và Niu - cát - xơn đợt 02 năm 2020, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Tiếp tục thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút Cúm gia cầm theo Công văn số 758/TY-DT ngày 14/5/2020 của Cục Thú y về việc triển khai Chương trình giám sát vi rút Cúm gia cầm do FAO hỗ trợ năm 2020 và Kế hoạch số 361/KH-SNN ngày 06/02/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020.

Sở Y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại Cúm gia cầm khác; hướng dẫn các địa phương chủ động giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp người mắc bệnh, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan diện rộng; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp về nguy cơ, tác hại dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm để người dân chủ động phòng, chống thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây