Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”; Phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt. Tổ chức hướng dẫn xây dựng các chuỗi cơ sở, các vùng, chuỗi sản xuất các sản phẩm lợn an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch DTLCP. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, kế hoạch chăn nuôi, kế hoạch tái đàn tại các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi chăn nuôi lợn.
Đồng thời, tăng cường nhân lực cán bộ thú y cho việc kiểm soát giết mổ; tiếp tục thực hiện Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, bảo quản mát đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn; tăng cường công tác bình ổn giá mặt hàng thịt lợn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.
Sở Giao thông vận tải kiểm tra các phương tiện vận tải vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc tại các bến xe, đầu mối giao thông.
Sở Thông tin và Truyền tổ chức công tác truyền thông nguy cơ dịch DTLCP, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các đơn vị có liên quan đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn nhập lậu qua biên giới.
Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389 tỉnh), Cục Quản lý thị trường tỉnh (Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh) phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP. Chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện việc khai báo tái đàn và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
HN