Để chủ động phòng ngừa và nâng cao hiệu quả kiểm soát nguy cơ phát sinh dịch bệnh, UBND tỉnh có văn bản số 1604/UBND-KTN ngày 16/6/2017 yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên gia súc, gia cầm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 290/UBND-KTN ngày 10/02/2017.
Ngoài ra, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc như Lở mồm long móng, Tai xanh trên heo, Dịch tả heo, Cúm gia cầm...và tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Thông tin đến người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm để phối hợp tốt với chính quyền và cơ quan thú y địa phương trong công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; thực hiện nghiêm việc quản lý vận chuyển, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan triển khai đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là khu vực biên giới, vùng có nguy cơ cao như khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, chợ, điểm thu gom gia súc, cơ sở giết mổ gia súc, khu cách ly; thời gian thực hiện từ 15/6/2017 đến 15/7/2017.
Vũ Anh