Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; bệnh chỉ xảy ra ở loài lợn; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh DTLCP.
Tại Việt Nam, ngày 19/02/2019, bệnh DTLCP lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, sau đó bệnh tiếp tục xảy ra tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong năm 2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 667 huyện, 8.537 xã thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 5.968.630 con. Từ đầu năm 2020 đến ngày 21/10/2020, vẫn còn 365 xã thuộc 111 huyện của 30 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày. Số lợn buộc phải tiêu hủy trên 64.000 con lợn.
Riêng trên địa bàn tỉnh, ổ dịch đầu tiên xảy ra tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành vào ngày 06/7/2019; sau đó bệnh tiếp tục xảy ra tại 1.937 hộ chăn nuôi, 78/95 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch nên bệnh đã kịp thời được khống chế; kể từ ngày 27/12/2019 trở đi, không còn ổ DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Thiệt hại do dịch bệnh năm 2019: tiêu hủy 32.355 con lợn; trọng lượng tiêu hủy là 1.853.968 kg. Kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại lên đến hơn 50 tỷ đồng.
Nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do đặc điểm của vi rút gây bệnh rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường truyền lây phức tạp và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng trong thời gian tới; việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn gia tăng; thời tiết thay đổi gây bất lợi cho sức khỏe đàn lợn và tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Tây Ninh có chung đường biên giới với Campuchia, hằng ngày các hoạt động thương mại, người dân và phương tiện vận chuyển qua lại biên giới có thể làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh.
Hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi nhưng cũng đem đến không ít thách thức. Từ doanh nghiệp đến các hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với những “cuộc chiến” khốc liệt của thị trường, mà để trụ vững đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính bước ngoặt, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại. Bệnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung thịt lợn. Việc nhập khẩu thịt nhằm đáp ứng nhu cầu, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng càng tạo thêm áp lực cạnh tranh to lớn đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Do đó, giải pháp tối ưu là phát triển chăn nuôi toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu của kế hoạch, Đến hết ngày 31/12/2021: trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP; trong 02 năm 2022 – 2023: trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP; trong 02 năm 2024 - 2025: trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP. Trong giai đoạn từ 2021-2025, khuyến khích, vận động các doanh nghiệp chăn nuôi xây dựng ít nhất 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 01 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn. Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP) áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Nhiệm vụ, nội dung của kế hoạch bao gồm: tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác quản lý dịch tễ, chăn nuôi gia súc của tỉnh. Nâng cao vai trò công tác phòng bệnh với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Khi dịch bệnh xảy ra, phải chủ động thực hiện các giải pháp chống dịch một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh DTLCP. Tổ chức tăng đàn, tái đàn đúng quy định để có đủ nguồn lợn an toàn dịch bệnh cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và các văn bản hướng dẫn về kỹ thuật của Cục Thú y. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia súc bị bệnh, gia súc nghi mắc bệnh DTLCP, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện sau khi “Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” được phê duyệt. Tổ chức hướng dẫn xây dựng các chuỗi cơ sở, các vùng, chuỗi sản xuất các sản phẩm lợn an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Tổ chức tập huấn về xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch DTLCP tại cơ sở.
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức công tác truyền thông nguy cơ dịch DTLCP, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
Dương Liễu