Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện một số việc sau:
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đối với các vụ, việc được đề nghị hòa giải ở cơ sở.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở của các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng về công tác hòa giải.
Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật
Kết hợp chặt chẽ hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tăng cường truyền thông, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở; số hóa và đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh, Cổng/Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ngành, địa phương và trên mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội.
Đổi mới phương pháp tuyên truyền
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” như: Tăng cường và đổi mới phương pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn; đẩy mạnh các hình thức trao đổi kinh nghiệm để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải; thường xuyên tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi; tiếp tục xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ năng, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực cho hòa giải viên.
Nâng cao năng lực đội ngũ
Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở; bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tổ hòa giải và chi trả thù lao vụ việc theo quy định pháp luật; đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Xây dựng, nhân rộng trên toàn tỉnh các mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”. Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác hòa giải ở cơ sở, các mô hình hòa giải hiệu quả trong giải quyết tranh chấp ở cộng đồng.
Khuyến khích luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn tổ hòa giải phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Người cao tuổi trong thực hiện hoạt động hòa giải, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Hoạt động hòa giải ở cơ sở thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, vận động Nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
LN