Ngày 22/8/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2767/KH-UBND triển khai thực hiện giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2022. Kế hoạch triển khai nhằm tạo điều kiện phát triển việc làm mới cho người lao động, đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kế hoạch đề ra chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2022 giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, bao gồm: Giải quyết 12.700 lao động việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Giải quyết khoảng 3.000 lao động việc làm thông qua chương trình vốn vay; Giải quyết 300 lao động việc làm từ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 72%.
Với nguồn kinh phí dự kiến 127,3 tỷ đồng, Tây Ninh triển khai các hoạt động chính bao gồm: Tạo việc làm từ phát triển kinh tế - xã hội nhằm duy trì, tạo việc làm ổn định, thường xuyên và tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 12.700 lao động; Tạo việc làm từ hoạt động cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, thông qua việc cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 3.000 lao động; Đẩy mạnh công tác cung ứng, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mục tiêu trong năm 2022 đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 300 lao động, lao động được hỗ trợ đào tạo về kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận; Thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù trong đó chú trọng thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm; Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực nghiệp vụ về việc làm cho từ 1.800 đến 2.000 lượt cán bộ. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về chủ trương, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác giải quyết việc làm.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm của địa phương phù hợp đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung, đạt chỉ tiêu giải quyết việc làm của địa phương.
Gia Huy