Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 11/06/2021 09:00 335 0
UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 07/6/2021 về việc Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải các công việc cho cơ quan Thi hành án dân sự, hỗ trợ tích cực cho Tòa án trong công tác giải quyết án, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thừa phát lại được tổ chức và thực hiện với lộ trình và những bước đi phù hợp theo quy định, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của địa phương.

Mục tiêu cụ thể:

Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức hoạt động Thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của địa phương.

Đảm bảo tổ chức thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; lộ trình phát triển Văn phòng Thừa phát lại theo từng giai đoạn, tại các địa bàn cụ thể, đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của cá nhân và tổ chức nhưng vẫn phải đảm bảo các Văn phòng Thừa phát lại có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện hoạt động Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức và thực hiện hoạt động Thừa phát lại.

Nội dung đề án: Định hướng chung về phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Lộ trình thực hiện chế định hành nghề thừa phát lại: Giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025 và Giai đoạn 2: Từ năm 2026 trở về sau.

UBND tỉnh giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống tuyên truyền cơ sở tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu về hoạt động của Thừa phát lại, thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức này trong thực tiễn đời sống pháp lý; các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thông báo Đề án và số lượng phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh sau khi UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Minh Anh

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây