UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 06/01/2015 17:00 90 0
Theo Thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; trong năm 2014 đã có nhiều trường hợp phát sinh ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) do các chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc để phát triển chăn nuôi.

Đặc biệt từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch LMLM đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh (113 con gia súc mắc bệnh tại 11 thôn của 5 xã thuộc 02 huyện Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh), tỉnh Thanh Hóa (51 con gia súc mắc bệnh tại 17 thôn, bản của 7 xã thuộc huyện Lang Chánh), tỉnh Lạng Sơn (197 con gia súc mắc bệnh thuộc 19 thôn, bản của 03 xã thuộc 02 huyện Lộc Bình và Đình Lập), tỉnh Lào Cai (52 con gia súc mắc bệnh tại 51 hộ, ở 23 thôn, bản của 02 xã thuộc huyện Mường Khương), tỉnh Yên Bái (69 con gia súc mắc bệnh tại 50 hộ ở 13 thôn, bản của 04 xã thuộc huyện Trạm Tấu). Tổng số gia súc mắc bệnh cho đến nay là 480 con. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.

Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM hiện nay, kết hợp với điều kiện thời tiết đang chuyển mùa, sức đề kháng của gia súc giảm, mầm bệnh còn tồn tại trên đàn gia súc. Để chủ động phòng chống dịch LMLM. Ngày 31/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 3603/UBND-VX yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp cấp bách sau:

Tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3465/UBND-KTN ngày 24/12/2014 về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; thời gian thực hiện từ 10/01/2015 đến 10/02/2015.

Khi có có ổ dịch LMLM tạm dừng ngay việc tiếp nhận trâu, bò giống từ các chương trình, dự án hỗ trợ con giống gia súc cho đến khi kiểm soát được dịch; thực hiện công bố dịch và tổ chức chống dịch khẩn cấp theo quy định hiện hành; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hợp tác trong phòng, chống dịch; tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch; lập chốt để quản lý vùng dịch; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh trong vùng dịch; tổ chức tiêu độc, khử trùng trong vùng dịch.

Tổ chức rà soát các chương trình, dự án cung cấp con giống hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển chăn nuôi trên địa bàn; trong các chương trình, dự án cung cấp con giống phải có sự tham gia của cơ quan thú y để hướng dẫn việc cung cấp con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Rà soát tiêm phòng bổ sung tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thấp; tăng cường giám sát chặt địa bàn trọng điểm dịch, nơi có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp; củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.                               

Chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BNN ngày 28/4/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa nguồn gốc con giống gia súc và không thực hiện kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

VT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây