Quy hoạch này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/01/2014. Theo Quy hoạch, chỉ xem xét thành lập mới nhà xuất bản đối với ngành, lĩnh vực và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có nhà xuất bản.
Tăng cường nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất đối với các nhà xuất bản; các cơ sở in xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị.
Khôi phục, duy trì và phát triển cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
Khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật; ưu tiên phát triển xuất bản phẩm điện tử.
Tăng cường hợp tác, trao đổi về bản quyền, chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ với các nước có nền xuất bản, in, phát hành phát triển trong khu vực và thế giới, chú trọng đến các quốc gia, khu vực trọng điểm. Đẩy mạnh quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài thông qua các hoạt động phát hành, triển lãm, hội chợ và các hoạt động hợp tác, giao lưu khác.
Mục tiêu của Quy hoạch là nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản; duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 - 30% là xuất bản phẩm điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, 70% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trung tâm phát hành xuất bản phẩm hiện đại; mỗi quận, huyện có ít nhất 1 cơ sở phát hành xuất bản phẩm; mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 điểm cung cấp xuất bản phẩm.
HM