Thực hiện Đề án nhằm phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế của tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, xã hội thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; góp phần nâng cao khả năng tự đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao tinh thần, vật chất cho người dân, đảm bảo công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.
UBND tỉnh yêu cầu: Thực hiện Đề án phải đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với định hướng, quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh từng giai đoạn cụ thể; lồng ghép hiệu quả công tác trợ giúp xã hội trong các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển KT-XH ở các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển KT-XH và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của tỉnh, từng bước tiếp cận với mức sống tối thiểu từng thời kỳ; ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia trợ giúp xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, góp phần bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả về vật chất và tinh thần, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; đảm bảo người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở Trợ giúp xã hội.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp Đảng, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc tổ chức thực hiện tốt các chủ trường, chính sách trợ giúp xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội; tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp, mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả, gương điển hình vượt khó và nhân rộng trong cộng đồng…
Triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội với phương châm công khai, minh bạch, đúng, đủ, kịp thời. Phấn đấu đạt được sự đồng thuận, mức độ hài lòng ngày càng cao của các đối tượng thụ hưởng…
Nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành một số định mức của địa phương để trợ giúp khẩn cấp theo hướng dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán…
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội; công tác QLNN; huy động, sử dụng nguồn lực trợ giúp xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội, hình thành nghề công tác xã hội chuyên nghiệp và hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.
MT