Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023

Thứ bảy - 30/09/2023 16:05 508 0
Ngay từ đầu năm,, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2023.

Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh. Nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời đã phát huy hiệu quả. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương, sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH tỉnh đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

1.   Về kinh tế
Trong 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 42.651 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cùng kỳ (KH 2023: tăng 8% trở lên). Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 19,5% - 45,2% - 30,6% (KH 2023: 18-19%; 46-47%; 29-30%).
- Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo duy trì và phát triển ổn định, tình hình sâu bệnh hại cây trồng chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Triển khai Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Tây Ninh năm 2023. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 73,5 ha(giảm 495 ha so với cùng kỳ). Ước diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 215.021 ha, đạt 87,5% so với KH, tăng 0,2% so với cùng kỳ (CK), trong đó: cây lúa: 137.507 ha, đạt 101,9% so KH và tăng 0,7% so với CK; mía: 7.175 ha, đạt 112,1% so KH và tăng 14,7% so CK; mì: 56.747 ha, đạt 93% so KH và tăng 6% so CK; bắp: 4.720 ha, đạt 92,2% so KH và tăng 3,1% so CK; đậu phộng: 2.848 ha, đạt 83,8% so KH và bằng 87,7% so CK.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu: thịt heo: 37.460 tấn, đạt 73,5% so KH, tăng 11,4% so CK; thịt bò: 2.221 tấn, đạt 29,2% so KH, tăng 3,1% so CK; thịt gia cầm các loại: 38.545 tấn, đạt 66,5% so KH, tăng 14,9% so CK. Giá sản phẩm chăn nuôi trâu, bò, heo tương đối ổn định; giá gà công nghiệp biến động cao. Thực hiện rà soát lại mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tiếp nhận các dự án chăn nuôi theo chuỗi giá trị, phù hợp cơ cấu vật nuôi theo định hướng chăn nuôi của tỉnh; không tiếp nhận các dự án có tính chất gia công. Cấp mới 09 dự án chăn nuôi (08 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và 01 dự án nuôi trồng thủy sản), các dự án thu hút đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại như các dự án của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam, Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, các dự án của Tập đoàn Hùng Nhơn. Thực hiện thẩm định 174 dự án nhà yến với 249 nhà yến (tăng gấp 8 lần so với CK), trong đó có 149 dự án phù hợp với quy định.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 432 ha, đạt 74,9% so với KH, tăng 3,2% so với CK; sản lượng ước đạt 11.052 tấn, tăng 0,9% so với CK. Diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Triển khai công tác trồng rừng năm 2023, đã trồng được 435,16/452 ha, đạt 96,3% so với KH, chăm sóc 533,3 ha rừng trồng phòng hộ và rừng đặc dụng. Công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng được tăng cường thực hiện. Đã xảy ra 06 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 9,2 ha (tăng 6 vụ so CK).

Đã xảy ra 48 vụ thiên tai (giảm 16 vụ so với CK), gây thiệt hại 133 căn nhà, 6,6 ha cây trồng, tổng giá trị thiệt hại 2.913 triệu đồng (giảm 51.076 triệu đồng giá trị thiệt hại so với CK). Ban hành quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tình hình đầu tư và chế biến:

+ Diện tích mía được đầu tư và bao tiêu niên vụ 2022-2023 là 13.422 ha, bằng so với CK (đầu tư trong tỉnh: 4.824 ha; đầu tư tại Campuchia: 8.598 ha); lượng mía đưa vào sản xuất là 892.715 tấn mía (tăng 8,0% so với CK); lượng đường sản suất là 81.793 tấn đường (tăng 11,1% so với CK); CCS bình quân 9,54 CCS; tạp chất bình quân 3,64%; tỷ lệ xơ bình quân 17,95%.

+ Uớc khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 2.716.756 tấn, tăng 1,2% so với CK, sản xuất được 679.189 tấn bột (trong đó sản xuất công nghiệp là 2.309.243 tấn củ, với 577.310 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 407.513 tấn củ, với 101.879 tấn bột); giá thu mua củ mì tươi dao động từ 3.300-3.600 đồng/kg (30 chữ bột) tùy khu vực và thời điểm.

Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022, theo đó công nhận: 06 xã đạt chuẩn NTM năm 2022, 09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022[7]; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
        - Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 7,6% so với CK.
Một số nhóm ngành có chỉ số tăng: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; Nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9%; Nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 1,4%. Riêng nhóm ngành khai khoáng giảm 25,6%,
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có sản lượng tăng như: Đường các loại (+66,9%); Clanke Poolan (+15,4%); Dịch vụ thu gom rác thải không độc hại không thể tái chế (+18,2%). Các sản phẩm khác ổn định và sản lượng sản xuất tương đương CK.
Xây dựng định hướng loại hình, tính chất của Khu công nghiệp Hiệp Thạnh. Ban hành Đề án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2030 với mục tiêu: Giữ nguyên 07 CCN đã được thành lập với diện tích 365,78 ha; phát triển mới 3 CCN với diện tích 221,55 ha có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường, phấn đấu tỷ lệ lắp đầy đạt 80%. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 10 CCN với diện tích 583,18 ha. Thực hiện các thủ tục pháp lý về giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư tiến hành dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Phú theo chủ trương đã được phê duyệt. Hoàn thiện hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Hội 2.
Tính đến 31/8/2023, ngành điện đã cung cấp 3.706,89 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bán sang Campuchia 107,77 triệu kWh điện và tiết kiệm được 99,28 triệu kWh điện. Tỷ lệ số hộ dân có điện sử dụng đạt 99,97%; tỷ lệ số hộ dân ở nông thôn có điện đạt 99,94%.

- Thương mại, dịch vụ và du lịch

Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, đạt 61,8% so với KH, giảm 13,4% so với CK, trong đó: Khu vực nhà nước giảm 40,7%, khu vực ngoài Nhà nước giảm 16,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,2%Các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực đều giảm sâu so với CK như: Giày dép (-27,7%), vải (-25,5%), phương tiện vận tải và phụ tùng (-12,5%), máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (-12,0%), hàng dệt may (-8,7%),... Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD, đạt 60,7% so với KH, giảm 16,7% so với CK.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 80.079 tỷ đồng, tăng 11,4% so với CK; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 63.017 tỷ đồng, tăng 11,2% so CK.

Công tác kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa được tăng cường thực hiện, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng. Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý 867 vụ vi phạm với 828 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá khoảng 16,3 tỷ đồng (hàng hóa vi phạm gồm pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, quần áo, vải). Đã xử lý hành chính 795 vụ, thu ngân sách 41,7 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu chưa thanh lý ước khoảng 5,3 tỷ đồng.

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu của du lịch Tây Ninh với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.765 tỷ đồng, đạt 98,1% so KH, tăng 49,7% so CK; với 4,22 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 84,4% so KH, tăng 9,3% so CK.

- Đầu tư phát triển

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 28.942 tỷ đồng, đạt 68,5% so với KH, tăng 9,4% so với CK. Bao gồm: khu vực dân doanh tăng 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,9%, khu vực nhà nước giảm 1,4% so với CK.

Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 64.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm (CK tăng 17,2%) và tăng 2% so với CK; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 1,1% so đầu năm và chiếm 9,5% tổng nguồn vốn huy động.

Với nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh kết hợp triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 94.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm và tăng 12,3% so với CK. Mặc dù lãi suất cho vay giảm, tuy nhiên tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn nên nợ xấu có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu 0,9% tổng dư nợ.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Đến 31/8/2023: Dư nợ cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam đạt 265 tỷ đồng (15 khách hàng), doanh số cho vay được hỗ trợ đạt 983 tỷ đồng (17 khách hàng) với số tiền lãi được hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình là 5,1 tỷ đồng; dư nợ gốc được cơ cấu lại nợ và miễn, giảm lãi cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn lại là 7,4 tỷ đồng với 195 khách hàng. Thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NQ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Tây Ninh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất các khoản vay với số tiền hỗ trợ là 27,7 tỷ đồng; cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tây Ninh với dư nợ cho vay đạt 215,8 tỷ đồng, 3.572 khách hàng.

Ước tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 8.193 tỷ đồng, đạt 74,5% dự toán, giảm 7,7% so CK; trong đó thu nội địa 7.091 tỷ đồng, đạt 73,9% so dự toán, giảm 6,6% so CK. Tổng chi ngân sách địa phương ước 7.697 tỷ đồng, đạt 68,9% dự toán.

       Đến 20/9/2023, tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 4.475,601 tỷ đồng/4.579,416 tỷ đồng, tương đương 97,7% kế hoạch, giải ngân 2.361,924 tỷ đồng, đạt 58,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 51,58% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 30/9/2023 là 2.784,474 tỷ đồng, đạt 68,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với CK (CK đạt 75,67%), đạt 60,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao, giảm so với CK (CK đạt 65,25%). Trong đó, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia là 124,661 tỷ đồng, ước giải ngân đến 30/9/2023 là 96,755 tỷ đồng, đạt 77,61% kế hoạch.

Đối với vốn đầu tư công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nguồn NSTW hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm là 130 tỷ đồng để thực hiện 03 dự án thuộc lĩnh vực Y tế. Đến nay, tỉnh đã giao chi tiết kế hoạch vốn cho 03 dự án là 119 tỷ đồng, số vốn còn lại là 11 tỷ đồng không có khả năng giải ngân trong năm được điều chuyển sang dự án Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789 (theo tinh thần Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội). Ước giải ngân đến 30/9/2023: 21,471/119 tỷ đồng, đạt 18%KH.

- Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Thu hút vốn đầu tư trong nước ước đạt 12.264 tỷ đồng, giảm 21,3% so với CK, trong đó: cấp mới 22 dự án với tổng vốn đăng ký 9.743 tỷ đồng, có 02 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; 14 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 2.651 tỷ đồng; 02 lượt dự án giảm vốn với số vốn giảm 130 tỷ đồng; 01 dự án nước ngoài chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký là 22,8 tỷ đồng; 05 dự án chấm dứt hoạt động với vốn đăng ký 302 tỷ đồng. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 697 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký là 130.386 tỷ đồng; trong đó: 410 dự án đi vào hoạt động với số vốn 73.931 tỷ đồng, 92 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 13.192 tỷ đồng, 167 dự án chưa xây dựng với số vốn 41.978 tỷ đồng, 23 dự án dừng hoạt động với số vốn 1.285 tỷ đồng, 05 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 653 triệu USD, tăng 93,3% so với CK, trong đó: cấp mới cho 23 dự án với vốn đầu tư 211 triệu USD; 29 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 444 triệu USD; 02 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn với vốn giảm 2,4 triệu USD; 01 dự án nước ngoài chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký 01 triệu USD; 09 dự án chấm dứt hoạt động với vốn đăng ký 31 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 364 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký: 9.635 triệu USD. Trong đó: 247 dự án đang hoạt động với số vốn 7.769 triệu USD; 37 dự án đang xây dựng với số vốn 670 triệu USD; 69 dự án chưa triển khai với số vốn 1.162 triệu USD; 11 dự án dừng hoạt động với số vốn 34 triệu USD; vốn thực hiện lũy kế chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký.

Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 631 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 4.344 tỷ đồng, so với CK giảm 1,6% về số doanh nghiệp và giảm 14,1% về vốn đăng ký. Có 104 doanh nghiệp giải thể với số vốn 1.108 tỷ đồng, so với CK giảm 6,3% về số doanh nghiệp và tăng 63,4% về vốn. Lũy kế có 8.080 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 195.531 tỷ đồng.

Thành lập mới 09 hợp tác xã (HTX), giải thể 05 HTX. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 182 HTX, tăng 05 HTX so với CK, có 05 HTX giải thể. Tổng số thành viên HTX là 38.582 thành viên, tăng 3.697 thành viên so với đầu năm. Doanh thu bình quân đạt 3,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân đạt 350 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của 01 lao động thường xuyên trong HTX là 75 triệu đồng/năm.

- Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo đúng quy định. Đã thực hiện cấp 255 giấy chứng nhận cho tổ chức với tổng diện tích 218,18 ha; cấp 75.767 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với diện tích 17.262,26 ha, trong đó cấp 1.445 giấy chứng nhận lần đầu với diện tích 373,71 ha. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Kết quả thực hiện Phương án sử dụng quỹ đất công ty nông lâm nghiệp:

+ Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện Phương án theo kế hoạch đã đề ra. Đến nay, UBND huyện Tân Châu đã ban hành 07 quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất trên địa bàn 05 xã với diện tích 2.217,1/2.257,68 ha (đạt 98,2%).

+ Công ty Cổ phần Cao su 1-5: Tiếp tục cho chủ trương thanh lý; đấu giá khai thác mủ vườn cây và thu hồi công nợ theo phương án được duyệt, số công nợ đã thu hồi được 56%. Đã thực hiện đấu giá 200,53 ha thuộc quỹ đất Công ty TNHH MTV Cao su 1-5 Tây Ninh bàn giao địa phương quản lý, thu được 10.679 triệu đồng (so mức giá khởi điểm là 5.064 triệu đồng). Xây dựng Phương án đối với 414,39 ha đất thu hồi của các hợp đồng sau khi thanh lý tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

Công tác cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép về thăm dò, khai thác nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước đảm bảo theo quy định. Đã cấp, gia hạn, điều chỉnh 50 giấy phép khai thác nước dưới đất, 18 giấy phép thăm dò nước dưới đất. Ban hành 32 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; cấp 18 giấy phép hoạt động khoáng sản, gồm: 04 giấy phép thăm dò khoáng sản; 03 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 08 giấy phép khai thác khoáng sản (02 giấy phép cấp mới, 04 giấy phép khai thác thu hồi đất san lấp từ các dự án đầu tư công trình được phê duyệt, 01 giấy phép gia hạn, 01 giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản); ban hành 03 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Tiếp tục thực hiện các đề tài, dự án và nhiệm vụ về môi trường. Tích cực tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức như đăng thông tin chuyên trang định kỳ tháng, phóng sự về bảo vệ môi trường, treo băng rôn hưởng ứng tại khu vực công cộng. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, Ngày Khí tượng Thế giới,… Duy trì 100% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý.

- Công tác quy hoạch và liên kết vùng

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện theo ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về quy hoạch tỉnh, đồng thời trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh rà soát, đóng dấu xác nhận hồ sơ, tài liệu Quy hoạch tỉnh Tây Ninh theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.

Chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh thành sơ kết, tổng kết và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển cơ chế phối hợp liên kết vùng. Triển khai thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2023-2025 giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2025. Triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2026. Chủ động, tích cực phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC-VSIP đề xuất cụ thể dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, các dự án phát triển Đô thị - Dịch vụ hành lang kinh tế kết nối Tây Ninh - Bình Dương trong thời gian tới theo tinh thần Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đề xuất Dự án đầu tư Khu công nghiệp - Đô thị và Công ty Liên danh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

2.   Các hoạt động văn hóa - xã hội

Tổng kết năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh được xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% (năm học trước: 99,98%); xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100% (năm học trước: 100%). Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 9.742/9.933 học sinh thi đậu tốt nghiệp, đạt 98,0% (năm học trước 98,6%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trúng tuyển đại học đạt 59,79% (5.939/9.933 học sinh). Ban hành khung Kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh. Triển khai thực hiện Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên và tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024.

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Chương trình hành động về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2023-2030 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thông tin tuyên truyền các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua Chương trình "Cafe doanh nhân". Triển khai Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022-2023". Tổ chức Lễ tôn vinh danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu", "Điển hình lao động sáng tạo", "Tài năng trẻ KH&CN" tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023.

Công tác khám chữa bệnh cho người dân được quan tâm thực hiện, tình trạng thiếu thuốc theo danh mục bảo hiểm y tế đã được khắc phục. Chủ động, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nhất là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm không rõ loại với 11 người mắc, trong đó có 02 ca tử vong. Ban hành kế hoạch thực hiện phát triển người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn năm 2023-2025. Triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đến nay tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,0% so với dân số toàn tỉnh.

Công tác chăm lo cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo được thực hiện kịp thời. Phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 40 căn nhà cho người có công với các mạng; xây tặng và bàn giao 213 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Cấp 18.056 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ 1.657 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí 70,327 tỷ đồng. Giải quyết cho 15.124 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí 320.104 triệu đồng. Ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo đa chiều và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023. Triển khai thực hiện Nghị quyết Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025.

Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030; Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 và năm 2023. Thực hiện kết nối cung cầu lao động, tư vấn việc làm cho người lao động nhất là các khu công nghiệp của tỉnh. Tư vấn việc làm và học nghề cho 19.178 lượt lao động, tổ chức đưa 71 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có 420 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu sử dụng lao động, với nhu cầu tuyển dụng 2.034 người. Đến nay, có 130.963 lao động Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, giảm 1.122 lao động so với cuối năm 2022 (132.085 lao động), 3.745 lao động nước ngoài, tăng 190 lao động so với cuối năm 2022 (3.555 người).

Tuyên truyền các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng thiết thực, hiệu quả. Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, sự kiện được tổ chức gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức thành công Lễ hội Ẩm thực chay lần thứ I năm 2023; Lễ công bố 02 Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận "Nghệ thuật chế biến món ăn chay" và "Nghề làm Muối ớt Tây Ninh" đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tổ chức thành công 7/7 giải thể thao cấp quốc gia, khu vực; 22/23 giải thể thao cấp tỉnh. Tham gia thi đấu các giải đạt được 156 huy chương (trong đó: 24 HCV; 39 HCB; 93 HCĐ).

3.   Công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng
- Công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số

Ban hành Quyết định xác định Chỉ số CCHC năm 2023 đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, các cơ quan, địa phương sẽ tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của đơn vị mình trên phần mềm đánh giá Chỉ số CCHC, các cơ quan đầu mối phụ trách công tác CCHC của tỉnh tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan, địa phương và UBND tỉnh công bố Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện.

Tổ chức Hội nghị phân tích và khuyến nghị các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tây Ninh, kết quả phân tích, nhận định "Quy mô, năng lực, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh chậm cải thiện, vẫn ở nhóm cuối của khu vực Đông Nam Bộ". Hiện nay, tỉnh đang thực hiện rà soát lại Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX (nay là DTI) trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiệu quả của Đề án; đồng thời xây dựng Kế hoạch triển khai các giải pháp khắc phục, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tây Ninh năm 2023 và các năm tiếp theo.

Công tác kiểm tra CCHC được quan tâm, chú trọng, Tổ Kiểm tra công vụ thuộc tỉnh đã thực hiện 58 cuộc kiểm tra công vụ thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, Trung tâm Giám sát đô thị thông minh của tỉnh đang vận hành chính thức 05 dịch vụ: Hệ thống giám sát dữ liệu các ngành (IOC); Hệ thống phản ánh hiện trường; Hệ thống Hỏi đáp trực tuyến; Tổng đài 1022 Tây Ninh và Hệ thống Camera giám sát.

Thực hiện kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và phương án sử dụng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2026. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 32 trường hợp. Tập trung xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tiến hành rà soát các quy định, tiêu chuẩn của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023-2025. Báo cáo Bộ Nội vụ danh sách đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

- Công tác tư pháp, thi hành án dân sự

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân đã thực hiện được 3.738 cuộc với hơn 125.747 lượt người tham gia, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 5.884 giờ.

Thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 288 vụ cho 288 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí. Thực hiện 32 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật, cấp phát 7.976 tài liệu, tờ gấp pháp luật cho 1.788 lượt người tham dự. Tư vấn pháp luật tại buổi truyền thông 70 vụ cho 70 người; tư vấn pháp luật tại trụ sở cho 90 lượt người dân. Công tác hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 454 vụ. Tổng số vụ đưa ra hòa giải là 453 vụ, trong đó hòa giải thành 418 vụ, đạt tỷ lệ 92,3%; hoà giải không thành 35 vụ, chiếm tỷ lệ 7,7%.

Thi hành án dân sự (từ ngày 1/10/2022 đến 31/8/2023): Tổng số việc giải quyết là 24.363 việc (trong đó số thụ lý mới là 13.983 việc). Tổng số việc phải thi hành: 24.011việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 16.671 việc, đã thi hành xong 11.330 việc; số việc chưa có điều kiện giải quyết 6.899 việc.

- Công tác thanh tra, kiểm tra

Thực hiện 68 cuộc thanh tra hành chính, trong đó 42 cuộc theo kế hoạch và 26 cuộc đột xuất (kỳ trước chuyển sang 17 cuộc), thanh tra về đất đai 22/68 cuộc, còn lại là các lĩnh vực tài chính, quản lý hành chính, xây dựng cơ bản; đã ban hành kết luận 40 cuộc; phát hiện vi phạm 8.527 triệu đồng và 59 mđất, kiến nghị thu hồi 4.869 triệu đồng, kiến nghị khác 3.658 triệu đồng và 59 mđất, kiến nghị xử lý hành chính đối với 19 tổ chức và 228 cá nhân.

Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 5.943 cuộc, ban hành kết luận 5.931 cuộc đối với 13.977 cá nhân và 735 tổ chức, phát hiện 220 cá nhân và 103 tổ chức vi phạm, đã ban hành 274 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 4.541 triệu đồng, số tiền đã thu qua kiến nghị thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính là 4.541 triệu đồng (đạt 100%), vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, môi trường, kiểm dịch, y tế.

Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân: Toàn tỉnh đã tiếp 1.703 lượt/1.500 người/1.271 vụ việc; phân loại, xử lý kịp thời 249 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điền kiện xử lý. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết là 152 đơn (146 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo), trong đó có 141 đơn khiế nại và 03 đơn tố cáo mới phát sinh. Đã giải quyết 107 đơn (101 đơn khiếu nại, 06 đơn tố cáo), đạt 70% trên tổng số thụ lý, số còn lại đang xác minh, xem xét giải quyết.

- Công tác phòng, chống tham nhũng

Triển khai Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023; tổ chức 676 cuộc tuyên truyền với 33.072 lượt người tham dự.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 19 cơ quan, phát hiện 03 cơ quan vi phạm; tiến hành 17 cuộc thanh tra, kiểm tra 19 đơn vị về công tác quản lý sử dụng tài chính liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện sai phạm 16 vụ/98 người với số tiền sai phạm đã xử lý 3,5 tỷ đồng; thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích năm 2023 phát hiện và xử lý 04 vụ, 05 người theo quy định của pháp luật; thực hiện chuyển đổi 34/147 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 42 trường hợp năm 2023, đã ban hành 38/42 kết luận, các trường hợp còn lại đang tiếp tục làm rõ một số nội dung.

Trong kỳ phát sinh 02 vụ, 07 người có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra để xác minh dấu hiệu tội phạm. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của địa phương: Khởi tố 04 vụ án, 11 bị can; xét xử sơ thẩm 09 vụ, 21 bị cáo; xét xử phúc thẩm 05 vụ, 12 bị cáo; hiện đang tiếp tục theo dõi 01 vụ, 06 người có dấu hiệu tham nhũng đang được xử lý, chưa có kết quả xét xử sơ thẩm; xử lý kỷ luật 01 lãnh đạo, xử lý hình sự 04 lãnh đạo, 02 lãnh đạo đủ điều kiện để miễn trách nhiệm. Trên cơ sở các bản án có hiệu lực, đã xử lý kỷ luật 06 vụ, 09 người do có hành vi tham nhũng, tiếp tục theo dõi đôn đốc xử lý 04 vụ, 13 người. Đã kịp thời xử lý 10 vụ việc, vụ án tiêu cực với 15 người có liên quan, còn lại 01 vụ, 01 người đang được cơ quan thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

4.   Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được duy trì thường xuyên

Thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, tổ chức diễn tập KVPT cho thị xã Trảng Bàng và thị xã Hòa Thành. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược quốc phòng. Bàn giao 30 căn nhà/06 điểm dân cư liền kề chốt dân quân, lũy kế đã xây dựng 115 căn nhà/21 điểm dân cư liền kề chốt dân quân. Tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước, kết quả đã quy tập được 142 bộ hài cốt liệt sỹ. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Tình hình trật tự an toàn xã hội (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/09/2023): Tiếp nhận 890 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (giảm 28 vụ so với CK). Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tiếp nhận 198 vụ (tăng 40 vụ so với CK), làm rõ 487 vụ 314 đối tượng, đạt 94,44% (vượt tỷ lệ Bộ Công an giao 4,44%).

Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 442 vụ (tương đương so với CK), điều tra làm rõ 376 vụ 682 đối tượng, đạt tỷ lệ 85,07%. Tội phạm về cờ bạc xảy ra 84 vụ (giảm 36 vụ so với CK), điều tra khám phá 84 vụ 528 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về kinh tế phát hiện 62 vụ, 90 đối tượng (tăng 05 vụ so với CK), khởi tố 59 vụ 105 bị can. Tội phạm về tham nhũng phát hiện 03 vụ (tương đương so với CK), khởi tố 03 vụ, 15 bị can. Tội phạm về ma túy phát hiện 225 vụ (tăng 04 vụ so với CK), điều tra làm rõ 225 vụ, 426 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%; Tội phạm về môi trường phát hiện 07 vụ (tăng 02 vụ so với CK), điều tra làm rõ và khởi tố 07 vụ, 10 bị can, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về giao thông tiếp nhận 64 vụ, điều tra làm rõ và khởi tố 64 vụ 68 bị can, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm khác xảy ra 03 vụ, điều tra làm rõ và khởi tố 03 vụ, 18 bị can, đạt tỷ lệ 100%.

Tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/09/2023): Xảy ra 109 vụ, chết 76 người, bị thương 45 người. So với CK, tăng 60 vụ, tăng 54 người chết, tăng 09 người bị thương. Tình hình cháy, nổ: Xảy ra 06 vụ cháy (tương đương CK), 01 người chết, 04 người bị thương, thiệt hại về tài sản 5,151 tỷ đồng.

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, theo dõi chặt chẽ các hoạt động của các đoàn vào. Tổng kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Ban Hành chính 04 tỉnh: Svay Rieng, Kampong Cham, Prey Veng và Tboung Khmum - Camphuchia. Triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đã ký kết, phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữa nghị và hợp tác.

  1. ĐÁNH GIÁ CHUNG
  1. Mặt làm được

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng chuyển biến tích cực. Tốc độ phát triển GRDP của quý sau cao hơn quý trước (So cùng kỳ năm 2022: Quý I tăng 2,8%, 6 tháng tăng 4,3%, riêng Quý III tăng 7,2%), GRDP 9 tháng đạt 5,35%, xếp thứ 2 so với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam bộ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (GDP cả nước: 4,24%).

Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi tăng trưởng với chỉ số công nghiệp tăng khá cao, quý III/2023 tăng 14,8% so CK (Quý I giảm 0,16%; Quý II tăng 8,4%).

Du lịch Tây Ninh đã đạt được những kết quả đáng kể, lượng khách tham quan khu điểm du lịch đạt 4,22 triệu lượt, với tổng doanh thu đạt gần 1.765 tỷ đồng. Các tiềm năng, lợi thế của du lịch Tây Ninh dần được "đánh thức", ngành du lịch đã thực hiện tốt việc khai thác, phát triển những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch hiện có. Một số khu, điểm du lịch đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ du lịch được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách du lịch đến tham quan tại các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hoá, lương thực, thực phẩm, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ sẵn có trên địa bàn.

Hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi nổi, sức tiêu thụ trên thị trường tăng. Thu hút đầu tư nước ngoài trên đà phục hồi.

Các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đã nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Theo số liệu công khai về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo góp phần an sinh xã hội.

Đăng cai nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh tham gia, góp phần tạo sân chơi và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh, giới thiệu hình ảnh của tỉnh đến với người dân trong và ngoài nước, tạo động lực, lợi thế thúc đẩy phát triển của du lịch tỉnh nhà.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới. Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào thúc đẩy hợp tác.

2. Điểm hạn chế

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may và da giày. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm.

Thu hút đầu tư trong nước giảm về số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Sự phục hồi của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn.

Thu ngân sách còn nhiều khó khăn, dự kiến khả năng khó đạt dự toán theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc, không ổn định. Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất.

Việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên y tế còn khó khăn.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, các nội dung trình theo Chương trình công tác của UBND tỉnh còn chậm.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị công chưa đạt theo yêu cầu. Theo kết quả đánh giá năm 2022, các chỉ số hành chính của tỉnh (PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX) đạt thấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp năm 2023.

Các loại tội phạm về trật tự xã hội tăng so với CK. Một số tội phạm, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, tín dụng đen, lừa đảo qua mạng còn diễn biến phức tạp. Tình hình tai nạn giao thông tăng trên cả 3 mặt.

        3. Nguyên nhân hạn chế

             - Nguyên nhân khách quan

+ Tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn biến động phức tạp, khó lường. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có lạm phát và lãi suất tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu mua sắm hàng hóa.

+ Ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn nặng nề, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp đã tới hạn. Doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực về tài chính và quản trị còn yếu, dễ bị tổn thương bởi các yếu tố rủi ro.

+ Doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất cho vay và các chi phí đầu vào vẫn còn cao.

              - Nguyên nhân chủ quan

+ Công tác tham mưu của các ngành còn thiếu chủ động, sáng tạo, hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp xử lý công vụ của một số ngành, lĩnh vực còn chậm, chưa triển khai tốt các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

+ Một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng chưa tương thích, rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng pháp luật gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư; triển khai khắc phục các điểm nghẽn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng còn chậm, chưa triệt để.

+ Chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực quản lý, năng lực tài chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

+ Công tác cải cách hành chính chưa đồng đều, chưa toàn diện, chuyển đổi số còn chậm, nhất là ở địa phương chưa quyết liệt triển khai

+ Sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc triển khai của các cơ quan còn thiếu sâu sát, quyết liệt.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây