Một số nội dung chính của Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Chủ nhật - 20/06/2021 11:00 208 0
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức hoạt động Thừa phát lại và trên cơ sở đặc điểm tình hình phát triển kinh tế, xã hội; thực trạng về hoạt động của thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án; thực trạng về hoạt động của Tòa án và nhu cầu tống đạt các loại văn bản giấy tờ trong hoạt động tố tụng và thi hành án dân sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự; nhu cầu lập vi bằng của người dân tại từng đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngày 07/6/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Về quan điểm phát triển Văn phòng Thừa phát lại

- Tổ chức và thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

- Tổ chức và thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phát triển với những bước đi và giải pháp phù hợp theo định hướng của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tổ chức và thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải xuất phát và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; gắn với đổi mới công tác cải cách tư pháp và cải cách hành chính của địa phương.

- Phát huy và tích cực vận động nguồn lực của toàn xã hội trong quá trình thực hiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động Thừa phát lại trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và chịu sự giám sát của cơ quan dân cử và Nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động Thừa phát lại.

- Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của chế định Thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại các địa phương trong cả nước; tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm thực hiện phù hợp với thực tiễn và đáp ứng xu thế phát triển của tỉnh.

2. Mục tiêu của Đề án

Đề án xác định mục tiêu chung là việc triển khai Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải các công việc cho cơ quan Thi hành án dân sự, hỗ trợ tích cực cho Tòa án trong công tác giải quyết án, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thừa phát lại được tổ chức và thực hiện với lộ trình và những bước đi phù hợp theo quy định, nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Đề án cũng đã xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

3. Lộ trình và số lượng phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Việc xây dựng và thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải theo lộ trình của tỉnh; gắn với địa giới hành chính và phân bố dân cư; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, phù hợp với tình hình và dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, Đề án được chia làm 02 giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025

Trong giai đoạn đầu, Đề án tập trung xây dựng, thành lập Văn phòng Thừa phát lại, bước đầu đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Thừa phát lại tại tỉnh.

Do đó, trong giai đoạn này Đề án dự kiến phát triển từ 01 đến 05 Văn phòng Thừa phát lại, được phân bố theo khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện thuận lợi để xây dựng lộ trình thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Đồng thời, có tính đến nhu cầu hoạt động xét xử và thi hành án dân sự theo từng đơn vị hành chính cấp huyện; góp phần giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức, cá nhân và số lượng Chấp hành viên. Cụ thể, Văn phòng Thừa phát lại được phát triển tại 05 đơn vị hành chính cấp huyện sau:

- Thành phố Tây Ninh: 01 Văn phòng;

- Thị xã Hòa Thành: 01 Văn phòng;

- Thị xã Trảng Bàng: 01 Văn phòng;

- Huyện Châu Thành: 01 Văn phòng;

- Huyện Dương Minh Châu: 01 Văn phòng.

Giai đoạn 2: Từ năm 2026 trở về sau

Đề án đề ra trong giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại; duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại hiện có; tiếp tục phát triển các Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Gò Dầu và Tân Châu mỗi huyện 01 Văn phòng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2 sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu thực tế của địa phương sẽ phát triển thêm Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng; mỗi địa phương thành lập tối đa không quá 02 Văn phòng, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thừa phát lại theo định hướng chung và phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Sau khi phát triển đủ số lượng Văn phòng thừa phát lại tại các địa phương theo giai đoạn 01 đã đề ra, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của Đề án, Đề án đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, Công an tỉnh Tây Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan. Đồng thời, trong nội dung tổ chức thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chuyển giao và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại nếu thấy cần thiết./.

QD 1228 phe duyet De an VPTPL.pdf

                                                                   Nguyễn Thị Thu Trang

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây