Quang cảnh buổi hội thảo
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Quốc Bảo và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kim Thị Minh chủ trì hội thảo.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Quốc Bảo phát biểu khai mạc hội thảo
Cùng tham dự Hội thảo có thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đây là hoạt động nổi bật hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12).
Thực hiện công tác bình đẳng giới, thời gian qua, tỉnh có các chương trình, dự án, đề án, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện của địa phương như: thí điểm đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng ở các bậc học, xây dựng lộ trình nâng cao năng lực cho giáo viên về giảng dạy các nội dung bình đẳng giới; nghiên cứu, xây dựng các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (thay đổi hương ước, quy ước, tập quán còn nhiều định kiến giới); mô hình hỗ trợ sinh kế, việc làm bền vững cho những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng trong xã hội; mô hình hỗ trợ nhóm nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; mô hình nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới; mô hình nhóm phụ nữ tự lực nhằm khuyến khích phụ nữ tìm đến sự hỗ trợ khi bị bạo lực.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Thị Bích Hiền tham luận về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới
Hội thảo có nhiều tham luận làm rõ chủ đề về bình đẳng giới, như tham luận của Sở Tư pháp chia sẻ về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, đặc biệt là các nhóm phụ nữ yếu thế; giảng viên Trường Chính trị tỉnh trao đổi về cách thức vận dụng những quy định mới của Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình trong thực hiện công tác đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành chia sẻ về công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em các xã biên giới...
Các đại biểu còn thảo luận, chia sẻ các giải pháp về các hoạt động truyền thông, hỗ trợ công tác an sinh xã hội, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, hỗ trợ nữ công nhân nhà trọ, công tác hỗ trợ phụ nữ yếu thế tại địa phương; hiệu quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành tham luận về công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em các xã biên giới
Trong đó, khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới là vấn đề được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành, thị xã Trảng Bàng hết sức quan tâm.
Thạc sĩ Mai Tuấn Kiệt – Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, trường Chính trị tỉnh tham luận về những quy định của Luật Bình đẳng giới
Thạc sĩ Mai Tuấn Kiệt – Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, trường Chính trị tỉnh cho rằng, để triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật của nhà nước nhất là Luật Bình đẳng giới, công tác tuyên truyền là hình thức, phương pháp chủ lực. Về góc độ cá nhân, Thạc sĩ Mai Tuấn Kiệt đề xuất khi tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, cần quan tâm nội dung, hình thức và đối tượng, sau buổi tuyên truyền cần có đánh giá, khảo sát mức độ tiếp nhận của người nghe như thế nào, từ đó có sự điều chỉnh thích hợp hơn. Không chỉ các cấp hội phụ nữ mà các tổ chức khác cũng cần quan tâm công tác tuyên truyền về bình đẳng giới.
Thanh Hoa