Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 09/05/2019 10:00 143 0
Chiều ngày 8/5, Đoàn Công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh để kiểm tra, giám sát công tác quản lý giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Mai Thị Lệ - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn.

doanctBGD.jpg

Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 136 trường mầm non, mẫu giáo (119 trường công lập, 17 trường tư thục) hoạt động theo quy định tại Điều lệ trường Mầm non và Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục; 44/119 mầm non mẫu giáo công lập đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh có 118/136 trường mầm non, mẫu giáo tổ chức bán trú (đạt tỷ lệ 86,8%), trẻ mầm non học bán trú đạt tỉ lệ 77,7%, trẻ mẫu giáo 5 tuổi học bán trú đạt 72,5%.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, 118/118 bếp ăn ở các trường bán trú đều được kiểm tra và được công nhận hợp vệ sinh, đúng quy cách, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ, có 84/136 trường có nhân viên y tế (tỷ lệ 61,8%). Số trường còn lại hợp đồng với trạm Y tế xã trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong nhà trường, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm theo quy định. Từ tháng 10/2018, tỉnh Tây Ninh đã chính thức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường trong trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Đến nay, có 68,5% số trẻ đang học tại các trường mầm non mẫu giáo tham gia Chương trình. Số giáo viên mầm non còn thiếu 426 người. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang thực hiện quy hoạch giảm bớt điểm lẻ và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trong một xã để đảm bảo các điều kiện về quản lý và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ tháng 9/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh phối hợp VNPT triển khai chương trình Camera-Cam trong trường mầm non, đến nay có 32 trường, 41 cơ sở tư thục lắp đặt camera trong lớp để phụ huynh giám sát các hoạt động của trẻ tại trường.

Qua thực tiễn hoạt động ở địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các Bộ ngành Trung ương tham mưu Chính phủ ban hành bổ sung một số chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay trong việc phát triển giáo dục mầm non; Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục công.

doanctBGD1.jpg

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên trong đoàn công tác của Bộ và các đại biểu tham dự buổi làm việc cùng trao đổi thêm nhiều vấn đề để làm rõ hơn nhiều nội dung xoay quanh công tác quản lý giáo dục mầm non và các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ.

doanctBGD2.jpg

Đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm với đoàn công tác về những trăn trở trong quản lý giáo dục mầm non ở địa phương, cấp thiết nhất là cần bổ sung biên chế giáo viên mầm non, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa khi phát triển mầm non ngoài công lập; cần có chính sách chi trả thêm giờ đối với giáo viên mầm non làm việc quá 10 giờ/ngày mà không thực hiện được xã hội hóa. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh, quá trình lắp đặt camera giám sát tại trường học được thực hiện trên cơ sở huy động kinh phí từ phụ huynh học sinh với sự đồng thuận cao. Qua đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cũng đề xuất với đoàn công tác một số nội dung nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý giáo dục mầm non ở tỉnh trong thời gian tới.

doanctBGD3.jpg

Đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu, chuyến công tác này được thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ nhằm tiếp tục rà soát các cơ sở giáo dục mầm non, tập trung vào công tác quản trị giáo dục mầm non. Đoàn kiểm tra 9 tỉnh đại diện cho 7 vùng miền, Tây Ninh là tỉnh thứ 8 được chọn do liên quan dân số cơ học tăng nhanh và là tỉnh có số đông công nhân tập trung trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng chí đánh giá cao Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh có nhiều nỗ lực trong thực hiện phổ cập mẫu giáo trẻ 5 tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, các trường rất đa dạng hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ, đồng thời đồng chí cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý chất lượng bữa ăn cho trẻ. Qua kiểm tra thực tế ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, đồng chí nhận thấy chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đạt kết quả tốt, trẻ tự tin, khỏe mạnh.

Từ những ghi nhận thực tế, đồng chí cho rằng trước sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cần tham mưu UBND tỉnh có chính sách đãi ngộ cụ thể hơn, hấp dẫn để thu hút giáo viên về công tác, ổn định tổ chức; cần rà soát, cân đối lại số lượng trẻ trên lớp để tính toán, dự báo số lượng thiếu giáo viên trên lớp để báo cáo về Bộ Nội vụ có hướng giải quyết. Lưu ý, Tây Ninh cần quan tâm vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là ở các khu công nghiệp, để có hướng dành quỹ đất xây trường đáp ứng được nhu cầu trường lớp trong tương lai. Bên cạnh đó, Sở cũng cần rà soát, giãn số trẻ ở các lớp, đầu tư cơ sở vật chất, hợp đồng thêm giáo viên, giảm áp lực chăm sóc trẻ cho giáo viên vì thực tế số lượng trẻ trong mỗi lớp ở Tây Ninh khá đông. Sở cần làm việc với các ngành về các vấn đề có liên quan để thực hiện chế độ thừa giờ cho giáo viên mầm non nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị thực hiện việc quản lý, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cố gắng xây dựng được những trường ngoài công lập để nâng cao tỷ lệ mầm non ngoài công lập, giữ vững mặt bằng an sinh xã hội và công tác phổ cập, giải quyết được bài toán cân đối để phát triển mầm non ngoài công lập; Tăng cường quản lý các trường này, nhất là khâu quản lý cấp phép, hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cung cấp tài liệu để các cơ sở này hoạt động hiệu quả.

Q.N

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây