* Đoàn đại biểu do ông Trần Hữu Hậu- Bí thư Thành ủy Tây Ninh, bà Nguyễn Thị Yến Mai- Bí thư huyện ủy Châu Thành và đại tá Nguyễn Quốc Khoa- Phó Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 5 dẫn đầu, cùng với cán bộ công chức thành phố Tây Ninh và và huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang Sư đoàn 5 và thân nhân liệt sĩ đã đến viến, thắp hương tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành-Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và Sư đoàn bộ binh 5 thắp hương trước Đài tưởng niệm. Ảnh Thanh Vinh |
Sau khi dâng hoa, đoàn đã dành một phút mặc niệm trước lễ Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công các anh hùng, liệt sĩ. Sau lễ viếng, các đại biểu đã thắp hương, thắp nến tri ân trên từng phần mộ liệt sĩ, thể hiện lòng thành kính biết ơn, đời đời ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
* Sáng 27.7, đoàn đại biểu huyện Tân Châu do bà Nguyễn Thị Hiếu- Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn đã đến viếng Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu.
Lãnh đạo huyện Tân Châu thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. |
Đây là hoạt động ý nghĩa được Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Châu tổ chức hàng năm vào các dịp lễ, tết, nhằm tri ân các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
* Tại Di tích lịch sử - Văn hóa Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha (ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành), bà Nguyễn Thị Yến Mai- Bí thư Huyện ủy Châu Thành, ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện đã đến viếng, thắp hương tưởng nhớ và thắp nến tri ân người anh hùng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo huyện Châu Thành viếng, thắp hương tại Di tích lịch sử - Văn hóa Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha. |
Liệt sỹ Hoàng Lê Kha sinh năm 1917, quê ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Ông tham gia cách mạng từ năm 1931, đến năm 1940, ông được chuyển về hoạt động ở Nam Kỳ. Năm 1945, Hoàng Lê Kha tham gia chính quyền tại Sài Gòn, rồi trở thành một trong những cán bộ chủ chốt.
Sau Hiệp định Genève 1954, ông Hoàng Lê Kha được chỉ định làm Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, trực tiếp phụ trách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) và huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Tháng 3.1959, ông bị địch bắt đưa về giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn). Tháng 10 năm 1959, địch đưa ông về Tây Ninh xét xử và tuyên án tử hình theo luật 10/59. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12.3.1960, Hoàng Lê Kha bị hành quyết bằng máy chém tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
* Đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng do thiếu tướng Trương Văn Thanh- nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, Trưởng Ban liên lạc BĐBP tại TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến viếng Bia tưởng niệm, thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Cứ An ninh vũ trang miền Nam (ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) và Bia tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát.
Tham gia cùng đoàn có đại tá Nguyễn Tài Sơn- Chính ủy BĐBP Tây Ninh và các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ.
Đại tá Nguyễn Công Luận tặng quà cho các gia đình chính sách ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu. |
Cứ An ninh vũ trang là địa điểm có ý nghĩa thiêng liêng đối với lực lượng Công an vũ trang (nay là BĐBP). Đây là nơi lưu giữ những kỷ vật, nơi tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Cứ An ninh vũ trang còn là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ học tập, tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ cha, anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Ban Liên lạc BĐBP tại TP.Hồ Chí Minh và Đồn BP Tân Hà đã trao 14 suất quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu.
Theo Báo Tây Ninh