Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Thứ năm - 31/08/2023 15:24 216 0
Chiều ngày 30/8, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Tấn Đức – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn, tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế số, đồng thời nêu một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương như: không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam như: công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, logistics và dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới; do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy, dùng chung dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đề xuất cách tiếp cận hợp tác giữa 4 bên, để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, gồm bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương…

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với Bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số, giám sát góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh. Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương… Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng.

ML

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây