Quang cảnh cuộc họp
Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Y tế trình bày các nội dung trình, ông Nguyễn Thanh Ngọc kết luận từng nội dung như sau:
Về nội dung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020: Cơ bản thống nhất các nội dung Kế hoạch do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình, giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh Kế hoạch, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020.
Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Việc thực hiện mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ Thế kỷ XX. Tại Việt Nam đã triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Việc tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo chung của Trung ương.
Tuy nhiên, để Kế hoạch có thể triển khai vào thực tế và thực hiện đạt hiệu quả giao Sở Y tế nghiên cứu, xây dựng lại Kế hoạch theo hướng thực hiện thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình trong 2 năm 2017-2018 tại 9 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Lưu ý khảo sát, đánh giá tổng quát thực trạng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của toàn ngành để đề ra mục tiêu, phương hướng, dự kiến đào tạo và kinh phí thực hiện Kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trong Quý I năm 2017.
KGVX