Ông Nguyễn Ngọc Lâm- Phó chủ tịch Liên hiệp hội cho biết, mục đích buổi làm việc với địa phương nhằm nắm được tình hình về người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm- Phó chủ tịch Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Lâm đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan của tỉnh Tây Ninh trong công tác hỗ trợ NKT trên địa bàn. Tỉnh cũng đã mạnh dạn phối hợp với các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ NKT, mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo ông Lâm, nếu có tổ chức hội cho NKT, hội sẽ có tiếng nói tác động lên cấp trên trong việc chăm lo, thực hiện quyền của NKT. Bên cạnh đó NKT cũng được hỗ trợ những kỹ năng để tự thân vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, hiện Tây Ninh có khoảng 57.000 NKT, trong đó năm 2016 có gần 18.000 người được hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm qua, chính quyền, các tổ chức hội liên quan cũng đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, chăm lo cho NKT ở nhiều mặt.
Trẻ khiếm thị được dạy nghề- Ảnh minh hoạ |
Hiện nay, tỉnh chưa có hội của NKT mà chỉ có 4 tổ chức Hội có liên quan đến NKT như Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Bảo trợ người nghèo và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Theo ông Quá, trong năm 2017, Sở sẽ phấn đấu thực hiện ở mỗi huyện, thành phố có ít nhất một câu lạc bộ hoặc nhóm tự lực dành cho NKT. Ông Quá cũng kiến nghị Liên hiệp Hội cần có sự tác động nhằm đẩy nhanh thực hiện mô hình sinh kế cho NKT, vì đây là một mô hình hay, đã mang lại hiệu quả. Ngoài ra, Liên hiệp Hội có thể tìm và tổng hợp những mô hình hay về dạy nghề cho NKT ở trong nước để nhân rộng tại các tỉnh.
Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam được thành lập từ năm 2011, là một tổ chức xã hội hoạt động phi lợi nhuận, với mục đích liên kết, tập hợp sức mạnh, điều phối các nguồn lực, tạo điều kiện để cộng đồng NKT hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc và sinh hoạt, hướng tới một xã hội hoà nhập, không rào cản và vì quyền của NKT.
Theo Báo Tây Ninh Online