Mỗi gia đình cần tự bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ năm - 12/09/2019 12:00 124 0
Theo số liệu từ ngành y tế Tây Ninh, tính từ đầu năm đến tuần đầu tháng 9/2019, tổng số ca mắc số xuất huyết (SXH) trên địa bàn là 2308 ca, tăng 104,9% so với cùng kỳ năm 2018 (với 1126 ca). Trong đó, huyện Tân Châu có số ca mắc nhiều nhất với 412 ca, có 1 ca tử vong ở ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội; kế đến là huyện Tân Biên với 404 ca; ít nhất là huyện Bến Cầu với 51 ca mắc.

Qua đó, Sở Y tế Tây Ninh chú trọng thực hiện công tác giám sát dịch tễ và xử lý các ổ dịch, bằng cách tiến hành giám sát chỉ số muỗi và lăng quăng, phun hóa chất chủ động tại các địa phương có nguy cơ cao. Huyện Tân Châu thực hiện giám sát chỉ số côn trùng trên địa bàn 12 xã, phun hóa chất chủ động tại các ấp 1, ấp 3, ấp 4 thuộc xã Suối Dây đợt 2, ra quân diệt lăng quăng đợt 4. Huyện Tân Biên cùng với đoàn Sở Y tế giám sát SXH tại xã Tân Lập…

sotxuathuyet.jpg

Người dân thành phố Tây Ninh được tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết

Theo phân tích số liệu ca mắc SXH của tuần 35, cho thấy, tình hình SXH có giảm so tuần 34. Tuy nhiên số ca mắc SXH của 4 huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành trong tuần 35 vẫn còn rất cao. Qua giám sát tại huyện Tân Châu, Tân Biên, thành phố Tây Ninh, Châu Thành chỉ số BI còn cao, tình hình vệ sinh môi trường (hủy các dụng cụ chứa nước) chưa triệt để vì vậy tình hình diễn biến sẽ hết sức phức tạp. Do vậy cần theo dõi sát số ca mắc của tuần 36 và giám sát chỉ số muỗi, lăng quăng ở khu vực nguy cơ cao để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước tình hình phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, ngày 09/8/2019, UBND tỉnh có Công văn số 1706/UBND-VHXH về tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, nhận định, Tây Ninh ghi nhận số mắc Sốt xuất huyết tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm hiện tại, đã 01 ca tử vong và nhiều ca có biến chứng nặng tại huyện Tân Châu. Kết quả giám sát cho thấy chỉ số mật độ côn trùng và tỉ lệ vật cha lăng quăng trên địa bàn tỉnh rất cao. Hiện nay đang là mùa mưa, cũng là thời điểm đỉnh cao của bệnh, dự báo bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nếu không kịp thời và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Nhằm chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng, bùng phát mạnh,UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến cơ sở chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương các phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt theo dõi, xác định kịp thời ổ dịch, vùng nguy cơ cao và vùng đủ điều kiện để triển khai ngay các hoạt động xử lý chậm nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện ổ dịch hoặc tại vùng nguy cơ cao.

Chỉ đạo hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin ca bệnh, tình hình ổ dịch để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh; đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng tổ chức thu dung, điều trị sớm cho các trường hợp sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; Chủ động và phối hợp cung cấp thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 15/8/2019, Tỉnh ủy có Công văn số 844-CV/TU về tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết, dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không quyết tâm phòng, chống, do đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầucác cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), loại bỏ các vật dụng phế thải có chứa nước đọng; gắn việc phòng, chống sốt xuất huyết, phòng chống dịch bệnh với các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hoá và các phong trào khác tại địa phương. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương, đơn vị. Kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê bình các tổ chức, cá nhân không thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại địa phương, đơn vị.

Qua công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Tây Ninh vào giữa tháng 8/2019 vừa qua,Đoàn công tác của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TP.HCM thuộc Bộ Y tếcũng đã ghi nhận Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, dập dịch kịp thời không để lan rộng. Tuy nhiên, SXH hiện nay tại tỉnh Tây Ninh chủ yếu tập trung ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng. Do đó, các hoạt động can thiệp phòng chống dịch bệnh chủ động như diệt lăng quăng, bọ gậy không triệt để, xử lý ổ dịch chậm cùng với yếu tố thời tiết (hiện đang là mùa mưa) sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịchbệnh SXH trên toàn tỉnh trong thời gian tới.

Từ đó, Đoàn đề nghị tỉnh tổ chức diệt lăng quăng trước phun và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống sốt xuất huyết, nhất là mỗi nhà tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết. Đề nghị UBND các cấp, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh các cấp chỉ đạo toàn dân tổ chức chiến dịch ngay trong một thời gian ngắn để khống chế, giảm tối đa số bệnh nhân SXH thông qua hoạt động diệt bọ gậy; nên tổ chức chiến dịch “lật úp” để diệt lăng quăng, đề xuất các phương án phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả; Tăng cường hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các điểm đang có nguy dịch bùng phát nhằm giảm so ca mắc và dịch lan rộng. Đối với các huyện số ca mắc không cao vẫn phải tăng cường công tác giám sát không nên chủ quan. Tại các xã đang trong giai đoạn phun dập dịch cần chú trọng theo dõi số ca mắc và chỉ số côn trùng chặt chẽ.

Qua các khuyến cáo và chỉ đạo của các ngành, các cấp cho thấy, để hạn chế sự lan rộng của bệnh sốt xuất huyết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.Hơn hết, chính bản thân của mỗi người dân cần nhận thức đúng về bệnh và thực hiện, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống. Đơn giản và dễ dàng nhất là chủ động dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi có nơi sinh sản vì “Không có lăng quăng - Không có sốt xuất huyết”.

Ngọc Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây