Phòng, chống bệnh Cúm gia cầm lây nhiễm từ động vật sang người trong hoạt động nuôi chim yến

Thứ ba - 30/06/2020 08:00 62 0
Cúm chim (avian influenza hay bird flu) hay Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do vi rút gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Vi rút này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý cách đây hơn 100 năm và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Vi rút Cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút Cúm A của họ Orthomyxoviridae. Vỏ của vi rút Cúm A bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase). Có 16 loại Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H.


ảnhNhà nuối yến trong khu dân cư

Tại Việt Nam đã phát hiện vi rút Cúm H5N1 trên loài chim yến, trước đó chủ yếu chỉ phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm, chim cút. Ngoài ra, một số chủng vi rút cúm khác cũng có thể có nguy cơ gây bệnh lây truyền sang người qua loài chim yến.

Để phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A (H5N1), Sở Y tế vừa ban hành hướng dẫn số 2375/HD-SYT ngày 29/6/2020 các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây nhiễm từ động vật sang người trong hoạt động nuôi chim yến.

Theo đó, khi chưa có dịch bệnh trên đàn chim yến, cần tăng cường hoạt động giám sát, dự phòng. Trường hợp có bệnh, dịch bệnh trên đàn chim yến, các cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cơ quan chuyên ngành thú y của địa phương phối hợp chính quyền địa phương, người chăn nuôi chim yến xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm; vệ sinh tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim yến; tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong đàn bị bệnh. Cơ sở y tế giám sát vùng có dịch khi các mẫu chim yến dương tính với H5N1, và nếu có bệnh nhân thì nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị nhiễm vi rút này tiến hành các xét nghiệm kịp thời phát hiện bệnh.

Trong trường hợp có bệnh, dịch bệnh ở người, Sở Y tế yêu cầu thành lập và củng cố đội điều tra, xử lý ổ dịch; thành lập đội đáp ứng nhanh các tuyến sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly tất cả những bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng nghi do vi rút, bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm cúm có nguồn gốc từ chim yến. Lập danh sách và quản lý, theo dõi sức khỏe tại gia đình những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc chim yến bị bệnh trong 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

Nội dung chi tiết xem tại đây.

Thanh Tâm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây