Sở Tư pháp triển khai pháp luật về công tác giám định tư pháp năm 2020

Thứ ba - 10/11/2020 19:00 67 0
Sáng ngày 10/11, tại Hội trường UBND thành phố Tây Ninh, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị triển khai pháp luật về công tác giám định tư pháp năm 2020.

Quang cảnh hội nghị


Đồng chí Nguyễn Hoàng Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hoàng Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 250 của tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành và hơn 100 giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp triển khai những nội dung cơ bản của hoạt động giám định tư pháp như khái niệm, đặc trưng, vai trò, mục đích, ý nghĩa của giám định tư pháp; những nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Sau đó, các đại biểu cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến nội dung được triển khai.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp triển khai nội dung chính của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Luật Giám định tư pháp có 8 chương, 46 điều được ban hành năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Sau hơn 7 năm thi hành đã giúp cho công tác giám định tư pháp đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội và của hoạt động tố tụng. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật này sửa đổi, bổ sung một số nội dung như về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; trưng cầu giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định…

Qua triển khai nhằm cung cấp kiến thức pháp lý về công tác giám định tư pháp giúp đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định theo vụ việc hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ nay đến năm 2022.

Được biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, 11 cơ quan chuyên môn thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu với tổng số 129 giám định viên tư pháp trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu giám định của các cơ quan tố tụng, cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết luận giám định đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai. Giám định tư pháp còn là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Song Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây