Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Thứ sáu - 05/08/2022 11:00 96 0
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên đàn vật nuôi, ở phạm vi rộng, cụ thể: bệnh Cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 14 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 62.000 con gia cầm; bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 47 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 38.000 con heo; bệnh Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại 04 tỉnh, thành phố với 77 con gia súc mắc bệnh; bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra tại 13 tỉnh, thành phố với trên 2.100 con trâu, bò mắc bệnh; bệnh Dại được tổ chức giám sát tại 11 tỉnh, thành phố, phát hiện 50/115 (43%) số mẫu của động vật nghi ngờ mắc bệnh cho kết quả dương tính với vi rút Dại; trên 14.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, tăng 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2021; ngoài ra có trên 1.000 lồng bè, ao, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi; các cơ quan thú y đã triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, xác định dịch bệnh nguy hiểm chiếm khoảng 20% tổng diện tích thiệt hại, bao gồm: Bệnh Đốm trắng (trên 1.100 ha), Hoại tử gan tụy cấp tính (khoảng 1.000 ha); bệnh trên cá tra (xuất huyết, gan thận mủ trên 200 ha). Có khoảng 10.000 ha nuôi tôm (chủ yếu nuôi quảng canh) bị thiệt hại nhưng không được các cơ quan chuyên môn của địa phương lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh là do các địa phương, chủ vật nuôi chưa chú trọng đến công tác phòng bệnh bằng vắc xin, nhiều nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn; trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nuôi truyền thống, quảng canh, khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Công tác thú y thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, việc thống kê, báo cáo cập nhật số liệu dịch bệnh còn nhiều bất cập; công tác điều tra ổ dịch xác định nguyên nhân, giám sát chủ động dịch bệnh chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; công tác kiểm dịch thủy sản giống còn nhiều kẽ hở, chủ yếu tập trung vào kiểm dịch tôm giống; công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản chưa triệt để, còn hiện tượng bán, sử dụng thuốc thú y ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng và nguyên liệu kháng sinh.... Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho người nuôi chưa được chú trọng; dẫn đến nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản hầu như không báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chuyên môn thú y, nhiều hộ nuôi xử lý động vật thủy sản chết, nghi mắc bệnh, xử lý chất thải, nước thải chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật về thú y, thủy sản và bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm như VDNC, LMLM, heo Tai xanh, CGC, Dại chó, Thủy sản được kiểm soát tốt không xảy ra dịch bệnh, riêng bệnh DTHCP đã tiếp tục xảy ra từ đầu năm đến ngày 16/02/2022 với 20 ổ dịch, 501 con heo bị tiêu hủy, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, kể từ ngày 16/02/2022 trở đi không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung sau:

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh.

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây