Thu ngân sách vượt 10,4% so với dự toán
Trong năm 2024, công tác thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo kịp thời từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; quản lý, khai thác nguồn thu đảm bảo đúng, đủ theo quy định. Ước thực hiện tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh là gần 12.250 tỷ đồng, đạt 110,4% dự toán, tăng 6,5% cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa gần 10.450 tỷ đồng, đạt 105,6% dự toán, tăng 6,2% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.800 tỷ đồng, đạt 1500% dự toán, tăng 8,3% cùng kỳ. Có 09/09 huyện, thị xã, thành phố có số thu đạt trên 100% dự toán.
Công tác chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước quy định. Ước thực hiện chi ngân sách địa phương hơn 13.529 tỷ đồng, đạt 121,1% dự toán, tăng 27,3% cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển 4.036 tỷ đông, đạt 114,3% dự toán, tăng 17,1% cùng kỳ. Để đảm bảo công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc cụ thể của từng dự án; đồng thời trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2024, trong đó bổ sung các dự án mới, quan trọng, có tính chất lan tỏa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhân viên thuế hỗ trợ người nộp thuế các thủ tục thuế liên quan
Ngoài ra, công tác chi thường xuyên đảm bảo các nhu cầu cho theo dự toán, các lĩnh vực chi đạt vượt so với dự toán, như: Chi sự nghiệp kinh tế đạt 102,7%, sự nghiệp y tế đạt 102,2%, sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề đạt 116,9%, sự nghiệp văn hóa đạt 105,2%, chi đảm bảo xã hội đạt 102,3%,… Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách địa phương đảm bảo theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Các đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính, sử dụng kinh phí tự chủ đúng quy định. Chủ động tăng cường thực hiện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công theo quy định.
Theo đánh giá thực hiện 05 năm giai đoạn 2021-2025 so với chỉ tiêu kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 do HĐND tỉnh đề ra, qua ước thực hiện thu, chi ngân sách năm 2024 và dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, tổng thu NSNN 5 năm trên địa bàn tỉnh ước 59.482 tỷ đồng, đạt 91,3% kế hoạch giai đoạn, tăng bình quân hằng năm là 5,4% (trong đó thu nội địa là 51.150 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch giai đoạn). Tổng chi ngân sách địa phương là 58.635 tỷ đồng, đạt 78,3% kế hoạch giai đoạn, tốc độ tăng chi bình quân hàng năm là 4,3%.
Tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 116,9%
Ước giải ngân 99,9% vốn đầu tư công theo Kế hoạch HĐND tỉnh giao
Trong năm 2024, vốn đầu tư ngân sách ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao cho Tây Ninh là 4.174 tỷ đồng; vốn đầu tư do HĐND tỉnh giao là 4.250 tỷ đồng.
Đến cuối quý I/2024, UBND tỉnh đã giao chi tiết 100% Kế hoạch HĐND tỉnh giao cho các dự án sử dụng vốn tỉnh quản lý và giao mức vốn hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố để các đơn vị chủ động chuẩn bị hồ sơ trình cấp thẩm quyền giao chi tiết đến từng dự án. Bên cạnh việc giao chi tiết kế hoạch vốn, UBND tỉnh còn tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân của từng dự án, kịp thời chỉ đạo xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh tổ chức giao ban định kỳ nhằm theo dõi tình hình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh
Đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh giải ngân được 1.306 tỷ đồng, đạt 55,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 54,27% kế hoạch HĐND tỉnh giao; Ước giải ngân đến hết ngày 31/01/2025 là 4.245 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 99,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Trên cơ sở phân tích tình hình, nguyên ngân các khó khăn, vướng mắc, trong năm 2025, Tây Ninh sẽ tập trung vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính chất kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng nhằm tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công – tư, đặc biệt là các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng, dân sinh như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục,…Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, huy động, tận dụng các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Tây Ninh ưu tiên đầu tư hoàn thiện các hạ tầng phục vụ sản xuất – kinh doanh của người dân
Vạn Tâm