Thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 của ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 17/09/2020 16:00 55 0
Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục. Ngày 17/9/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 2168/UBND-VHXH yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020 – 2021.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020 – 2021 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh theo đúng nội dung Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 39- CTr/TU ngày 10/02/2014 của Tỉnh ủy Tây Ninh và Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công theo Quyết định số 2414/QĐ-UBND, ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khoá XII) giai đoạn 2018 – 2021.

Đối với giáo dục mầm non: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tăng cường năng lực quản trị nhà trường, đổi mới cơ chế quản lý cơ sở giáo dục mầm non gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; từng bước tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tăng cường tuyên truyền nhằm thu hút giáo viên trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện theo yêu cầu cho việc giảng dạy. Chủ động phối hợp với các sở ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên mầm non đối với địa phương chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trước mắt, trong khi chờ thực hiện quy trình, thủ tục tuyển dụng, cho phép các đơn vị ký kết hợp đồng tạm thời để giáo viên an tâm công tác. Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hợp đồng giáo viên mầm non cũng như chỉ tiêu hợp đồng cụ thể của từng trường để giáo viên đăng ký hợp đồng giảng dạy tại các đơn vị.

Đối với giáo dục phổ thông: Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; tiếp tục rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới để dạy lớp 1 trong năm học 2020 - 2021.

Ngoài ra, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Đối với giáo dục thường xuyên: triển khai thực hiện Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ triển khai Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị các cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, phòng chống các dịch bệnh, đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành.

Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; theo đó chuyển sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý.

Lệ Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây