1. Hiệu lực thi hành: Ngày 10 tháng 6 năm 2024.
2. Sự cần thiết, mục đích ban hành
- Sự cần thiết: Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ thực hiện có hiệu quả các nội dung ủy thác, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 94/94 xã, phường, thị trấn, 100% ấp, khu phố, đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Tây Ninh chưa ban hành Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo khoản 3, Điều 5, Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017, quy định: “Đối tượng cho vay: theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (sau đây viết tắt là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (nếu có)”).
- Mục đích: Văn bản quy phạm pháp luật ban hành cụ thể hóa quy định đối tượng vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo tỉnh và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn uỷ thác góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
3. Nội dung chủ yếu
Nghị quyết gồm 5 điều, nội dung của Nghị quyết bao gồm:
3.1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ngoài các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác).
3.2. Đối tượng áp dụng
3.2.1. Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, điều kiện sinh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.
3.2.2. Các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác:
a) Cơ quan Tài chính, Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội.
b) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh; Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã.
c) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
d) Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác; Tổ tiết kiệm và vay vốn.
đ) Các cơ quan khác có liên quan.
3.3. Đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội
a) Hộ nghèo tỉnh; hộ mới thoát nghèo tỉnh (thời gian sau khi thoát nghèo không quá 36 tháng) được vay vốn để sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập cho hộ.
b) Hộ gia đình có đăng ký thường trú tại khu vực đô thị chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và chưa đảm bảo vệ sinh môi trường được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt.
c) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thời gian sau khi hoàn thành nghĩa vụ không quá 36 tháng được vay vốn để giải quyết việc làm.
d) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động. Riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thuộc 20 xã biên giới được vay vốn để ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ và chi trả các khoản chi phí được ghi trong hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3.3. Nguồn kinh phí thực hiện
Từ nguồn vốn ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
3.4. Tổ chức thực hiện.
Xem chi tiết nội dung Nghị quyết số 74/2024/QĐ-HĐND tại đây.
TH