Triển khai thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ ba - 18/01/2022 16:00 54 0
Thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

Quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 50-KH/TU của Tỉnh ủy Tây Ninh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) ở địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC trên địa bàn tỉnh; chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 50-KH/TU của Tỉnh ủy Tây Ninh; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCCC và CNCH đã nêu tại Kế hoạch số 1248/KH-UBND ngày 17/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW và Kế hoạch số 1678/KH-UBND ngày 27/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và các năm tiếp theo, cụ thể sau:

- Tiếp tục xác định công tác PCCC là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị và là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thường xuyên thực hiện; xem đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

- Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; tiếp tục xây dựng, nhân rộng đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa phương; tổ chức các hoạt động kỷ niệm "Ngày toàn dân Phòng cháy chữa cháy" hàng năm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

- Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục thiếu sót, vi phạm về PCCC và CNCH; tăng cường hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy và xảy ra vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở quản lý; mạnh dạn phê phán công khai các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về PCCC, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

- Thực hiện chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC theo Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành để hoạt động có hiệu quả; chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống cháy, nổ và sự cố, tai nạn xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ", gắn với thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm các hành vi vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời; triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác PCCC và CNCH; hàng năm, bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH, ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở và trang bị phương tiện PCCC và CNCH; đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH, huy động các nguồn lực phục vụ tốt công tác PCCC và CNCH theo đúng quy định.

- Duy trì thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác PCCC và CNCH ở địa phương.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây