Đà Nẵng: Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Thứ sáu - 25/08/2023 14:53 170 0
(TG) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet và sự bùng nổ, phát triển nhanh của các trang mạng xã hội đã thu hút số lượng lớn người tham gia, trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến mọi người.

Đà Nẵng vinh dự lọt Top 10 thành phố đang sống trên thế giới năm 2018

Tuy nhiên, Internet và mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái tác động không nhỏ, như: hàng ngày, hàng giờ, vô số những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc phát tán trên Internet và các trang mạng xã hội. Đặc biệt, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị, cực đoan đã triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá Đảng và cách mạng nước ta. Chúng thiết lập các trang web, blog, facebook, youtube tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc, các vấn đề “nhạy cảm”, “nóng” nhằm tác động vào tư tưởng, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân; kêu gọi tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội.

CHỦ ĐỘNG THÔNG TIN TÍCH CỰC

Đối với thành phố Đà Nẵng, hiện có khoảng 8 ngàn trang thông tin điện tử, hơn 2,6 triệu tài khoản mạng xã hội (gồm khoảng 950 ngàn tài khoản facebook, 960 ngàn tài khoản Zalo, 450 ngàn tài khoản Youtube, 270 ngàn tài khoản Twiter…), trong đó có 250 trang facebook có số lượng trên 20 ngàn thành viên. Số lượng các tài khoản mạng xã hội tăng khoảng 6%/năm. Mỗi năm có khoảng 7 triệu lượt thông tin đề cập đến thành phố Đà Nẵng trên Internet và mạng xã hội, trong đó thông tin tích cực khoảng 11%, trung tính khoảng 80% và tiêu cực khoảng 9%.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet và mạng xã hội, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tích cực, chủ động tham mưu Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu, thiết thực. Việc này có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn chống, phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một là, công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, chính thống và đấu tranh phản bác thông tin sai trái, thù địch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Xác định công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực là nhiệm vụ tiên quyết để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân nhằm đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trên Internet và mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ xây dựng và ban hành Đề án “Tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đồng thời tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung cơ bản của Đề án đến các địa phương, đơn vị liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo 35 các cấp. 

Để giúp lực lượng Ban Chỉ đạo 35 các cấp nắm được những nội dung cốt lõi về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật trong tình hình hiện nay; thành thục kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong quản lý, điều hành và đấu tranh, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ, chức trách được giao trước yêu cầu trong giai đoạn mới; Ban Chỉ đạo 35 thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng ban chỉ đạo 35 các cấp trên địa bàn thành phố, với các chuyên đề: “Hướng dẫn việc nhận diện, xử lý thông tin xấu, độc; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội”; “Quy trình, kỹ thuật xử lý thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội; kinh nghiệm đấu tranh trên không gian mạng”; “Công tác an ninh mạng, phòng chống hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng”…

Hai là, công tác đấu tranh, phản bác, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội.

Cũng như các địa phương trong cả nước, các thế lực thù địch chống phá Thành phố Đà Nẵng thường tập trung trên các nội dung sau: Dùng phần mềm photoshop để nhào nặn ra những video, hình ảnh, bài phát biểu, bài viết và dàn dựng thành các nội dung nhằm mục đích xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị trong nước; lợi dụng những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ để xuyên tạc, chống phá, quy chụp các sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cho đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; sử dụng chiêu bài “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để chống phá, vu cáo chính quyền ta vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đưa ra những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ, khi mà báo chí chính thống trong nước chưa kịp thời đưa tin, để dẫn dắt dư luận theo ý đồ của chúng…

Nắm rõ những thủ đoạn trên, Ban Chỉ đạo 35 thành phố đã chỉ đạo các thành viên Nhóm chuyên gia thành phố, các nhà nghiên cứu, nhà báo, phóng viên, cán bộ, đảng viên tham gia viết hàng trăm bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác, chống thông tin, quan điểm, sai trái của các thế lực thù địch theo các chủ đề, chủ điểm. Các cơ quan báo, đài thành phố xây dựng chuyên mục, đăng tải các bài viết, video clip trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đội ngũ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 các cấp đẩy mạnh chia sẻ, đăng tải các bài viết tuyên truyền cũng như đấu tranh phản bác các bài viết, thông tin sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch, cơ hội chính trị, nhất là vào dịp diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố.

Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 35 thành phố trong công tác theo dõi, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin xấu, độc, phức tạp về chính trị và sai sự thật; thực hiện giám định tư pháp đối với hơn 100 bài viết vi phạm trên các trang mạng xã hội... Phối hợp với hệ thống Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và các tỉnh, thành phố cả nước, tổ chức phát lệnh và huy động lực lượng đấu tranh phản bác, triển khai thực hiện việc tấn công mạng, vô hiệu hóa đối với nhiều tài khoản facebook đăng tải các thông tin, bài viết, video có nội dung sai lệch, nhạy cảm, bôi nhọ, nói xấu về Bác Hồ, về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, đã góp phần gỡ bỏ, ngăn chặn hơn 100 tài khoản facebook của các đối tượng cả trong và ngoài nước thường xuyên đăng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc gây bất ổn tình hình trên cả nước và thành phố.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Thứ nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, lan toả thông tin tích cực, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành phố trên các lĩnh vực tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Thứ hai, kiên định lập trường, mục tiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tập trung, thông suốt, tổ chức triển khai khẩn trương, bài bản, sâu rộng, kịp thời là yếu tố quan trọng tiên quyết để bảo đảm giành thắng lợi trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ ba, thiết lập cơ chế trách nhiệm rõ ràng, điều hành thống nhất, phối hợp chặt chẽ, xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng lực lượng là những điều kiện cần thiết để đạt được kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thứ tư, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, lâu dài, thuyết phục, hiệu quả, “chống” là cấp bách, thường xuyên, chủ động, quyết liệt; kết hợp các biện pháp tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, thông tin tích cực; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, kinh tế, kết hợp các giải pháp khoa học - kỹ thuật - công nghệ; kiên quyết xử lý hành chính, hình sự các đối tượng vi phạm.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet và mạng xã hội trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tuyên truyền cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thành phố sử dụng mạng xã hội lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, tăng cường các biện pháp nâng cao sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu, độc. Tuyên truyền những quy định của pháp luật về an ninh mạng, những chuẩn mực trong ứng xử, tranh luận, phản biện trong môi trường mạng xã hội; trang bị kỹ năng tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá được độ tin cậy của mỗi công dân trong việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân, cộng đồng và dân tộc.

Hai là, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng, lan tỏa thông tin tích cực của các cơ quan báo chí. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí thành phố, theo dõi chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội liên quan đến địa bàn thành phố, báo cáo định kỳ và đột xuất cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; tham mưu chỉ đạo xử lý, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí và lan tỏa trên các mạng xã hội.

Ba là, chủ động xác định kế hoạch, xây dựng kịch bản truyền thông, công tác tư tưởng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách mới, dự án, đề án có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện và kịp thời xử lý ngay những vướng mắc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, tạo sơ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội tích cực, chính thống và huy động lực lượng nòng cốt của cả hệ thống chính trị trên mạng xã hội nhằm xây dựng mạng lưới chuyên gia, lực lượng nòng cốt chính trị là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng nhằm phát huy vai trò chủ động, tiên phong, định hướng, dẫn dắt, đấu tranh theo từng lĩnh vực, chuyên đề trên Internet, mạng xã hội.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm kỷ luật phát ngôn, để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội./.

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây