Quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

Thứ tư - 04/10/2023 09:36 191 0
Ra đời từ năm 1929, trong suốt 94 năm qua tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh, chăm lo, bảo vệ giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp, giáo dục, động viên, khích lệ, cổ vũ người lao động đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà. Tuy nhiên, với nhãn quan phiến diện và thái độ chính trị thù địch, các đối tượng chống phá, cực đoan luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo, điều hành của Ðảng và Nhà nước Việt Nam.

Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết Quý Mão 2023” do Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng và Liên đoàn Lao động huyện Hòa An tổ chức (Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng Bế Thanh Tịnh trao quà Tết tặng đoàn viên công đoàn, công nhân lao động huyện Hòa An).

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (Ðiều 10).

94 năm qua, với vai trò, chức năng của mình, Công đoàn Việt Nam luôn là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và người lao động, tiếp nhận, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đến công nhân và người lao động, hướng dẫn, cổ vũ, động viên, khích lệ công nhân và người lao động tích cực học tập, lao động, đóng góp công sức cho quá trình xây dựng phát triển đất nước, được thụ hưởng những thành quả do mình góp sức làm ra, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt vai trò là đại diện cho người lao động phản ánh tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Ðảng, Nhà nước ban hành và thực hiện các chính sách chăm lo đời sống của người lao động ngày càng tốt hơn; thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức Ðảng, Nhà nước trong việc thực thi chế độ, chính sách đối với người lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, kịp thời ngăn cản những hành vi vi phạm quyền và lợi ích của người lao động,...

Nhiều năm qua, tổ chức công đoàn các cấp đã trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân và người lao động, thường xuyên liên hệ với tổ chức đảng và chính quyền các cấp để tham mưu, đề xuất, kiến nghị thực hiện ngày càng tốt hơn các chế độ, chính sách đối với người lao động, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, chế độ lao động.

Tổ chức công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền chăm lo đời sống, phúc lợi cho người lao động, tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của người lao động để kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết quyền lợi cho người lao động, kịp thời hỗ trợ, động viên, chia sẻ khi người lao động không may gặp sự cố, khó khăn, hoạn nạn đột xuất.

Tổ chức công đoàn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng rất nỗ lực, tích cực đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ lợi ích của người lao động, kiên trì thương lượng, đối thoại, đề xuất, thuyết phục các chủ doanh nghiệp ký kết các thỏa ước lao động bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, gia tăng phúc lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Tổ chức công đoàn luôn đồng hành, sát cánh cùng người lao động, tư vấn, hỗ trợ về pháp luật và tổ chức đình công nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng các quy định về sử dụng, đãi ngộ lao động, chà đạp, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động. Ðã có nhiều vụ việc công đoàn đại diện cho công nhân và người lao động yêu cầu hoặc khởi kiện chủ sử dụng lao động vi phạm hợp đồng về chi trả lương và các chế độ đãi ngộ người lao động, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong các năm qua, tổ chức công đoàn trên cả nước đã gửi hàng nghìn hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê từ năm 2018-2020: tổ chức công đoàn đã đại diện khởi kiện 2.564 vụ án đòi được số tiền gần 45 tỷ đồng cho người lao động; triển khai rộng khắp chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn” ở nhiều tỉnh, thành phố; ký kết 974 bản thỏa thuận lao động, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho 6,9 triệu người lao động với số tiền hơn 1.925 tỷ đồng; hơn 14,475 triệu người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 13.578 tỷ đồng; chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng 9.135 căn nhà cho người lao động với số tiền gần 364 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1 triệu lượt vay vốn từ nguồn quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn dành cho công nhân, lao động nghèo với số tiền gần 13.700 tỷ đồng.

Ðặc biệt, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chú trọng công tác đào tạo kiến thức pháp luật và kỹ năng thương lượng cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là Chủ tịch công đoàn; xây dựng quy trình và hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể làm cơ sở quan trọng để thúc đẩy đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp theo quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019.

Hằng năm, các phong trào chăm lo, bảo đảm lợi ích, hỗ trợ cho công nhân và người lao động khó khăn đã được công đoàn các cấp ở nhiều tỉnh, thành phố tích cực triển khai tổ chức thực hiện như: phong trào “Ngày hội công nhân”, “Tháng công nhân”, chương trình “Mái ấm Công đoàn”, tổ chức “phiên chợ Tết công nhân”, “gian hàng 0 đồng” bán hàng ưu đãi cho công nhân, người lao động,... Kể cả trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thiên tai, dịch bệnh..., tổ chức công đoàn các cấp luôn chủ động, tích cực huy động các nguồn lực để cứu trợ, cứu hộ, trợ cấp, tặng quà kịp thời cho người lao động, không để công nhân và người lao động không có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và những nhu yếu phẩm thiết yếu...

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đó, tổ chức công đoàn trong cả nước đã khẳng định vai trò quan trọng và sứ mệnh lịch sử to lớn của mình, được người lao động tin yêu, gắn bó. Ðúng như nhận định của Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam - ông Chang Hee Lee: “Công đoàn Việt Nam đã làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”.

Bất chấp thực tế đó, các đối tượng chống phá, phản động bằng nhiều hình thức và thủ đoạn cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò, sứ mệnh và những thành quả mà Công đoàn Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong hơn 90 năm qua. Như việc bịa đặt rằng “Công đoàn Việt Nam không phải là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động mà thực chất chỉ là cánh tay nối dài, công cụ của Ðảng và Nhà nước, theo sự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, bảo vệ quyền lực và lợi ích của Ðảng và quan chức Nhà nước”; “ở các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn do chịu sự chi phối lợi ích từ chủ doanh nghiệp nên không dám đứng về phía người lao động, đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, thậm chí, còn bắt tay với các chủ doanh nghiệp để bóc lột công nhân nhiều hơn, bảo vệ lợi ích cho chủ doanh nghiệp...”.

Từ đó các đối tượng cho rằng mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng đời sống công nhân và người lao động vẫn vô cùng khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thường xuyên bị xâm phạm các quyền dân chủ, quyền con người,... Ðặc biệt, trong những giai đoạn đất nước gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các đối tượng chống phá lại càng ráo riết lợi dụng để bịa đặt, ngụy tạo, tung tin sai sự thật về việc “Ðảng, Nhà nước bỏ rơi người lao động, để mặc người lao động khốn khổ, nghèo đói”. Ðể rồi các đối tượng này lấy danh nghĩa đại diện cho người lao động, bảo vệ lợi ích chân chính cho người lao động để thành lập hội nọ, nhóm kia, lôi kéo người lao động tham gia, kích động họ lãn công, biểu tình, đập phá nhà xưởng, bất hợp tác với doanh nghiệp, gây bất ổn xã hội, chống đối Ðảng, Nhà nước…

Không khó để thấy mục đích thực sự của những việc làm trên là nhằm phủ nhận vai trò, sứ mệnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam, gây mất niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, đối với Ðảng và Nhà nước Việt Nam và hướng đến đích cuối cùng là phủ nhận, thủ tiêu, xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Ðể dễ bề lôi kéo, dụ dỗ những người lao động nhẹ dạ, cả tin, các thế lực thù địch, phản động thường dùng nhiều thủ đoạn khôn khéo, đưa ra một vài sự vụ trong thực tế bộc lộ những hạn chế, yếu kém của tổ chức công đoàn ở một vài nơi chưa thực sự chăm lo, bảo vệ tốt quyền và lợi ích của người lao động, hoặc ngụy tạo ra những sự việc không đúng về cuộc sống “khổ sở cùng cực”, “tình cảnh thảm thương” của người lao động do bị “bỏ rơi”,... để bôi xấu, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của tổ chức công đoàn, hòng tác động đến tâm tư, tình cảm người lao động, khiến họ mất niềm tin vào công đoàn, từ đó dễ bề điều khiển, hướng lái họ theo mục đích đen tối.

Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng trong thực tế, ở một số nơi vẫn có tình trạng tổ chức công đoàn chưa thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, chưa quan tâm sát sao đến đời sống của người lao động, không kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm cũng như tích cực đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động,… khiến cho người lao động bức xúc, mất niềm tin. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài hiện tượng chứ không phải là đặc trưng, bản chất của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên từ đây cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo để tổ chức công đoàn các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động, đồng thời cần chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước, giúp giai cấp công nhân và người lao động nhận diện được những âm mưu, thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch để có sức “đề kháng” tốt trước mọi sự dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những mưu đồ đen tối hòng chống phá tổ chức công đoàn, chống phá Ðảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây