Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay cả nước có 180.000 đối tượng nghiện ma túy, tăng 8.260 người so với năm 2013; có 206.000 người nhiễm HIV, trong đó có 59.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 6.000 người tử vong. Tình hình hoạt động mại dâm cũng có những diễn biến phức tạp. Toàn quốc hiện có khoảng 31.000 gái mại dâm tập trung ở các thành phố lớn, các thị xã, thị trấn, trung tâm du lịch….
Tại Tây Ninh, công tác tuyên truyền tập trung vào các tầng lớp thanh thiếu niên, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chương trình quốc gia phòng, chống ma túy gắn với mục tiêu 4 giảm của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, các tác hại, hậu quả do ma túy gây nên bằng nhiều hình thức. Kết quả tuyên truyền trong thanh thiếu niên được 364 cuộc có 34.461 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên tham dự. Ngoài ra còn cấp phát hơn 1.500 tờ bướm về tác hại của ma túy, phát hơn 300 tờ rơi, áp phích, tài liệu tuyên truyền. Qua công tác tuyên truyền đã giúp các tầng lớp thanh thiếu niên nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mình cũng như quần chúng nhân dân, không phân biệt, đối xử kỳ thị với người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật hoàn lương, tạo điều kiện giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Trong các biện pháp đấu tranh phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm có hiệu quả thì công tác thông tin tuyên tuyền có ý nghĩa quan trọng, giúp cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội nhận biết được bản chất nguy hiểm của tệ nạn này và những tác hại của nó đối với sức khỏe, hành vi của con người, suy thoái về nhân cách, nòi giống, từ đó có hành động tích cực, tránh xa cám dỗ; phối hợp đấu tranh và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng đấu tranh về tệ nạn này…
Trong những năm qua, chúng ta đã tập trung tuyên truyền với nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, đơn vị, địa phương với nhiều hình thức, từ tuyên truyền miệng đến tranh cổ động, phát tờ rơi,... Các cơ quan báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình đã theo dõi, phản ánh, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này và chuyển đến bạn đọc nhiều thông tin “nóng” về cuộc đấu tranh chống ma túy, mại dâm diễn ra trên địa bàn cả nước. Nhiều người viết báo không kể hiểm nguy điều tra làm rõ những quán bar, vũ trường, nơi ăn chơi sa đọa của một bộ phận giới trẻ; phát hiện, làm rõ các kiểu mua bán mại dâm, các đường dây tổ chức cung cấp gái, buôn bán làm giàu trên thân xác phụ nữ, qua đó tạo sự đồng tình trong xã hội, phản đối mạnh mẽ tệ nạn này.
Bên cạnh đó cũng thông tin về những lần ra quân, các hội thi, hội diễn văn nghệ, những câu lạc bộ có hoạt động tích cực về phòng chống tệ nạn xã hội; biểu dương các nhân tố điển hình. Và nhiều bài viết phân tích, đi sâu lý giải vì sao đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn gia tăng; tìm hiểu giới tính, thành phần xã hội của những con người lầm lỡ và nỗ lực, quyết tâm của họ trong việc thoát ra khỏi hiểm họa ma túy.
Thực tế cho thấy cùng với việc thực hiện những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành, đơn vị liên quan, bằng hình thức xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, các mục tiêu cần đạt được. Chú trọng tuyên truyền tại cơ sở, địa bàn trọng điểm, các gia đình, khu dân cư. Thông tin, phổ biến pháp luật có liên quan đến phòng chống ma túy, mại dâm, vạch rõ thủ đoạn xảo quyệt của bọn tội phạm buôn bán, cung cấp ma túy, lôi kéo người tham gia vào đường dây tội phạm này.
Cùng với nhiệm vụ trên, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong mỗi cộng đồng dân cư và từng gia đình, cá nhân. Đồng thời, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, tổ chức tập huấn về kiến thức, nghiệp vụ cho họ, trong đó có cả việc mở rộng tập huấn cho những người làm công tác tuyên truyền ở các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương. Có chế độ khuyến khích, khen thưởng đối với những người làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS…
Kim Hà