Nạn nhân trong các vụ án này thường có các biểu hiện mặc cảm, sợ hãi, không muốn tiết lộ hoặc để người khác biết về các bí mật hoặc cuộc sống tủi nhục trong quá khứ mà họ đã phải gánh chịu. Nạn nhân cũng không muốn nhắc lại những ký ức đau buồn mất mát. Do vậy, họ dễ bị tổn thương về tinh thần, mặc cảm tự coi mình là người không được ai tin tưởng, coi trọng. Nhiều trường hợp nạn nhân trở nên thờ ơ, lãnh đạm, không muốn tiếp xúc với người khác.
Từ những đặc điểm trên đã dẫn đến nạn nhân thường tự ty, thiếu niềm tin vào các cơ quan chức năng, thậm chí có thái độ hằn học, giận dữ, bất hợp tác với những người đang giúp đỡ, bảo vệ mình.
Nạn nhân là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm về mua bán người, bị các hành vi phạm tội của người phạm tội, xâm phạm trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe ở các mức độ khác nhau.
Từ thực tế đó, đặt ra một số vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm này là:
Phải động viên, an ủi, tạo được niềm tin của nạn nhân đối với những người thực thi pháp luật. Cần giải thích cho họ hiểu và biết rõ các quyền lợi và nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan nhằm giúp nạn nhân yên tâm, tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để nhanh chóng giải quyết đúng đắn vụ án.
Cần áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án, giúp cho nạn nhân không bị hoang mang, sợ vì bị trả thù bản thân và gia đình.
Trong quá trình lấy lời khai, xét hỏi tại phiên tòa phải tránh gợi lại những ký ức đau buồn mà họ đã phải trải qua tránh động chạm đến những vấn đề tế nhị, nhạy cảm, đảm bảo các bí mật đời tư không được thông tin rộng rãi. Việc tuyên truyền về vụ án cũng phải có sự cân nhắc cẩn thận về danh phận của nạn nhân. Nếu nạn nhân không đồng ý thì không được chụp ảnh, ghi hình hoặc có các thông tin cụ thể về họ trên báo chí.
Đối với các vụ án mà nạn nhân là trẻ em, việc lấy lời khai và xét hỏi tại phiên tòa phải đảm bảo sự có mặt của người đại diện hợp pháp của họ. Trong quá trình xét xử vụ án, nếu gia đình nạn nhân (người đại diện hợp pháp) có yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con em mình, thì Tòa án phải hướng dẫn họ liên hệ với các văn phòng trợ giúp pháp lý để cử người bảo vệ cho con em họ. Các dịch vụ này được hoàn toàn miễn phí theo quy định của pháp luật.
Tòa án cũng có trách nhiệm bảo vệ an toàn về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, các thông tin cá nhân của nạn nhân. Nạn nhân không phân biệt là nam, nữ, quốc tịch đều được Tòa án bảo vệ bằng việc thực hiện các quy định của pháp luật.
Để đảm bảo giữ bí mật về đời tư của nạn nhân, khi có yêu cầu của họ, Tòa án có thể áp dụng quy định của pháp luật để xét xử kín. Trong Luật báo chí cũng quy định: “Đối với những vụ án đang điều tra, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền đăng tin theo nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.
Tòa án bảo vệ nạn nhân bằng việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bản án đúng đắn đối với người phạm tội cũng chính là sự thể hiện của việc bảo vệ quyền của nạn nhân.
Tòa án xem xét và quyết định đúng về yêu cầu bồi thường thiệt hại của nạn nhân. Khi xét xử, Tòa án cần nghiên cứu và thực hiện đúng các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.
Bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án về mua bán người là một yêu cầu, một quy định của pháp luật, vừa mang tính nhân đạo cao cả của chế độ xã hội đối với nạn nhân bị mua bán. Tuy vậy vấn đề bảo vệ nạn nhân cũng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng quan tâm đúng mức. Do đó, cần có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề này để đảm bảo thực hiện tốt việc bảo vệ nạn nhân trong các vụ án về mua bán người trong tình hình hiện nay.
Hoàng Mai (Nguồn: www.toaan.gov.vn)